In trang này
Pháp lam triều Minh Mạng (1820-1841)
Cập nhật ngày: 15/02/2019 10:32:12
Pháp lam (còn gọi là Pháp lang) là một sản phẩm có cốt bằng đồng, bên ngoài tráng men, có nguồn gốc từ vùng Trung Á, du nhập vào Trung Quốc thế kỷ XIII. Tùy theo phương pháp chế tác thai cốt và phương thức tráng men mà hình thành bốn loại: Kháp ti pháp lang; Họa pháp lang; Tạm thai pháp lang hay Thấu minh pháp lang. Một trong những trung tâm Pháp lam nổi tiếng của Trung Quốc thời bấy giờ là Quảng Đông. Từ Quảng Đông những món đồ được chế tác theo kỹ nghệ họa pháp lang đã theo chân các tàu buôn Trung Hoa đi khắp nơi và theo đó đã du nhập vào Việt Nam, thời điểm muộn nhất là vào khoảng thế kỷ XVIII.

Đầu thời Nguyễn, hoàng đế Gia Long (1802-1820) đã thuê nghệ nhân Trung Quốc sang Việt Nam để chế tác đồ pháp lam, đồng thời dạy nghề cho đội ngũ thợ trong ngự xưởng. Năm 1827, Pháp lam Tượng cục của triều Nguyễn ra đời, đặt cơ sở tại Huế, Ái Tử (Quảng Trị) và Đồng Hới (Quảng Bình).

Lư xông trầm pháp lam triều Minh Mạng Tìm chân cao pháp lam triều Minh Mạng

Từ khi thành lập cho đến khi suy thoái vào cuối thế kỷ XIX, Pháp lam Tượng cục đã sản xuất nhiều sản phẩm phục vụ cho việc trang trí các cung điện ở Huế, phục vụ nghi lễ cung đình và sinh hoạt trong hoàng cung. Cùng với các sản phẩm pháp lam được sản xuất tại chỗ, các vua Nguyễn còn ký kiểu đồ pháp lam từ Trung Quốc theo yêu cầu riêng về mẫu mã và hình thức trang trí, tạo nên một dòng Pháp lam Huế đặc trưng về màu sắc, kiểu dáng lẫn tạo hình,… mà ngày nay nhiều sản phẩm trong số đó còn được lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

 

 

 

In trang này