In trang này
QUÀ TẶNG BANG GIAO
Cập nhật ngày: 16/07/2021 04:41:39

 

Từ cuối thế kỷ XIX, rất nhiều tác phẩm nghệ thuật trang trí trong các công trình kiến trúc ở cung đình Huế là Quà tặng bang giao từ các nước: Nhật Bản, Trung Hoa, Pháp, Anh, Thái Lan… Mỗi tác phẩm chứa đựng nhiều thông điệp về văn hóa, phong tục tập quán và quan hệ ngoại giao giữa các nước với Việt Nam lúc bấy giờ.

Tìm hiểu về cổ vật bang giao giúp chúng ta có thể hiểu rõ hơn về một giai đoạn lịch sử nước nhà và sự xuất hiện của các cổ vật này trong đời sống cung đình Huế không chỉ làm phong phú đời sống văn hóa chốn hoàng cung mà còn là minh chứng về quá trình hội nhập giữa truyền thống văn hóa truyền thống Việt Nam với các nền văn hóa khác vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế xin giới thiệu đến các bạn một số hiện vật tiêu biểu thuộc bộ sưu tập Quà tặng bang giao hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng.

1. Bình sứ Meudon

Chế tác năm 1861 tại xưởng Quốc gia Sèvres (Pháp). Đây là quà tặng của chính phủ Pháp nhân ngày đăng quang của hoàng đế Hiệp Hòa (7/1883).

Kiểu dáng bình sứ do ông Jules Dieterle là họa sĩ, Giám đốc Mỹ thuật của xưởng Sèvres (1852-1855) sáng tạo năm 1851. Bản vẽ do họa sĩ Paul Avisse thực hiện. Trên thân bình vẽ theo phong cách của François Boucher (1703 - 1770) đó là hình ảnh thần Cupid (thần ái tình trong thần thoại La Mã) ngồi trên cụm mây, tay cầm vòng nguyệt quế và dải lụa. Cổ bình được trang trí hình cây ô rô cách điệu đứng thẳng nhằm nhấn mạnh chiều cao của chiếc bình và một vòng lá cây thắng với lá hoa hồng ở giữa cùng bốn quai bằng đồng trang trí vô cùng tinh xảo. Các họa tiết trang trí trên cho thấy sự hồi sinh của văn hóa Hy Lạp cổ đại và sự lan tỏa của văn hóa Pháp trong những năm 1850- 1880, với sự trở lại của kiểu Louis XV mới và Hy Lạp mới.

Bình Meudon được đánh giá rất cao và được chọn trưng bày tại cuộc triển lãm quốc tế London vào năm 1862 (London International Exhibition 1862). Việc chính phủ Pháp lựa chọn bình sứ Meudon dùng làm quà tặng trong ngày đăng quang của hoàng đế Hiệp Hòa thể hiện thái độ rất trân trọng đối với Hoàng đế Việt Nam lúc bấy giờ.

Chiếc bình này hiện đang trưng bày tại điện Long An,  điểm trưng bày chính của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (số 3, Lê Trực, Thành phố Huế).

Hình ảnh 360o: https://sketchfab.com/3d-models/binh-su-meudon-d857130e5b7e4c16b32335e6c17f3719

2. Bình sứ Mansard tặng phẩm của chính phủ Pháp dành cho hoàng đế Đồng Khánh

Năm 1885, hoàng đế Đồng Khánh (1885-1889) lên ngôi. Để thể hiện mối bang giao giữa hai nước, nhân ngày đăng quang của hoàng đế Đồng Khánh, chính phủ Pháp đã gửi tặng rất nhiều tặng phẩm có giá trị gồm 10 bình sứ của xưởng Quốc gia Sèvres, trong đó có 5 bình là những kiệt tác được trưng bày tại triển lãm của Hội liên hiệp nghệ thuật trang trí Trung ương ở Paris năm 1884 và cuộc triển lãm quốc tế Anvers (Bỉ) năm 1885. Ngoài ra, tổng thống Pháp lúc bấy giờ - Jules Grévy - còn tặng hoàng đế Đồng Khánh một số bộ đồ sứ dùng để uống trà và cà phê do các xưởng đồ sứ nổi tiếng nhất nước Pháp sản xuất.

Bình sứ Mansard là tặng phẩm hiện còn trong số các tặng phẩm kể trên được lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Hiện nay, bình sứ đang được trưng bày tại điện Khải Thành, Ứng Lăng (lăng hoàng đế Khải Định).

Bình sứ Mansard chế tác năm 1881 tại xưởng Quốc gia Sèvres (Pháp); là tặng phẩm của chính phủ Pháp dâng tặng cho hoàng đế Đồng Khánh vào năm 1885. Kiểu dáng bình do Jules Dieterle thiết kế năm 1852. Bình cao 93,5cm, toàn thân bình phủ men màu xanh đậm. Từ giữa phần cổ bình và thân bình gắn hai quai bằng đồng màu vàng đúc tượng nữ thần chiến thắng tay cầm vòng nguyệt quế. Đây là kiểu dáng và trang trí đặc trưng của phong cách hậu Đế chế. (Xem thêm: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Đồ gốm sứ châu Âu tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2018).

3. Bình đồng thau

Do xưởng Barbédienne (Paris) chế tác, mẫu của nhà điêu khắc Ferdinand Levillain (1837-1905), là tặng phẩm của Toàn quyền Đông Dương Paul Beau dâng cho hoàng đế Thành Thái vào năm 1902. Thoạt nhìn thì có thể xem đó như là một bản sao của một tác phẩm thời cổ đại - như cảnh chuẩn bị cuộc lễ tửu thần theo thần thoại Hy Lạp, nhưng khi quan sát kĩ thì sẽ nhận thấy trên đó có một vài hoa văn và họa tiết chịu ảnh hưởng của bối cảnh xã hội và văn hóa Pháp thế kỉ XIX, thời ấy rất chặt chẽ về nguyên tắc. Levillain không thể vẽ lễ hội tửu thần quá sổ sàng như thời cổ nên ông chọn lối diễn tả “quanh co” để gợi ý. Vì thế, có thể nhận định rằng chiếc bình này không phải là một bản sao mà là một sáng tạo phỏng theo kiểu cổ đại.

Hình ảnh 360o: https://sketchfab.com/3d-models/binh-ong-27d6411a6fdf4fb29f8b5e4704397e28

 

In trang này