Lăng hoàng đế Tự Đức.
Cập nhật ngày: 13/07/2020 02:01:59
Hoàng đế Tự Đức tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, sinh năm 1829 là con trai thứ hai của hoàng đế Thiệu Trị. Ngay từ thuở nhỏ Hồng Nhậm được mẹ dạy bảo nghiêm khắc từ cách đi đứng, đối ứng đều hợp với nghi thức cung đình. Chính điều đó cộng với tư chất thông minh ham học hỏi rèn luyện bản thân nên được vua cha rất mực yêu thương tin tưởng. Năm 1848 Hồng Nhậm lên ngôi hoàng đế theo di chiếu của vua cha, lấy niên hiệu là Tự Đức - vị hoàng đế thứ 4 Triều Nguyễn và là vị hoàng đế có thời gian trị vì lâu nhất trong số 13 vị, 36 năm (1848-1883).
Toàn cảnh lăng hoàng đế Tự Đức (ảnh chụp năm 1932, nguồn: aavh.org)

Lên ngôi vào năm 20 tuổi, cuộc đời hoàng đế Tự Đức với nhiều thăng trầm và nỗi đau. Và nổi đau lớn nhất của đời ông đó là không có con nối dõi, mặc dù có đến 103 bà vợ. Thêm vào đó, là nỗi đau mất nước. Năm 1858, thực dân Pháp bắn những phát súng đầu tiên vào cảng biển Đà Nẵng và sau đó lần lượt chiếm đóng 6 tỉnh Nam Kỳ. Đất nước Việt Nam dần bị chia cắt và nằm dưới sự bảo hộ của đế quốc Pháp,… Trước những thất bại liên tiếp trong chính sách điều hành đất nước, cũng như những nỗi buồn nội tại của bản thân. Hoàng đế Tự Đức bắt đầu nghĩ đến việc xây dựng hành cung thứ hai của mình làm nơi tiêu sầu và cũng đề phòng khi ra đi bất chợt. Sau khi các quan chuyên môn về địa lý đi xem đất và chọn được vị trí ở làng Dương Xuân Thượng. Hoàng đế Tự Đức cho khởi công xây dựng lăng vào năm 1864 với tên gọi ban đầu là “Vạn Niên Cơ” - mơ ước lăng sẽ trường tồn mãi mãi. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng lăng, bị bóc lột nặng nề nên dân binh vùng lên làm cuộc khởi nghĩa, sử dụng chày giã vôi để làm khí giới tiến vào Kinh thành nhằm lật đổ nhà vua. Tuy cuộc khởi nghĩa bị thất bại sau 3 ngày, nhưng thanh danh hoàng đế Tự Đức bị tổn hại nặng nề. Để xóa đi những ký ức xấu trong nhân dân cái tên “Vạn niên Cơ” được đổi thành Khiêm Cung, sau khi hoàng đế mất được gọi là Khiêm Lăng. Mọi công trình lớn nhỏ trong lăng đều mang chữ Khiêm. Khiêm ở đây có nghĩa là kính, là nhường. Ảnh: Trần Ngọc Bình.

Toàn bộ khuôn viên lăng Tự Đức được gói gọn trong vòng la thành 12 ha, gồm 50 công trình lớn nhỏ được phân bố dàn trải trên những thế đất phức tạp. Toàn bộ lăng được phân bố trên 2 trục song song cùng lấy núi Giáng Khiêm làm tiền án, lấy núi Dương Xuân làm hậu chẩm, hồ Lưu Khiêm làm yếu tố minh đường.  Hồ Lưu Khiêm, hồ được các nhà thiết kế lợi dụng nguồn nước của con suối tự nhiên, đào sâu, nới rộng, nằm các thế đất mà thành. Hồ là nơi hoàng đế dạo thuyền ngắm cảnh và cũng là nơi thả sen tạo cảnh quan. Bên bờ hồ là những ngôi nhà tạ đó là Dũ Khiêm Tạ và Xung Khiêm Tạ, góp phần tạo nên sự phong phú và những điểm nhấn vô cùng thiết yếu cho “khu vườn lăng”. Ảnh: Trần Ngọc Bình.

Dũ Khiêm Tạ được xây dựng năm 1864 cùng với nhiều công trình khác trong Khiêm Lăng. Nhà thuỷ tạ này là nơi dành cho nhà vua bước xuống thuyền. Xung Khiêm Tạ, là nơi dành cho hoàng đế câu cá ngắm cảnh và vịnh thơ. Nó lớn hơn Dũ Khiêm Tạ rất nhiều với kiến trúc Trùng thiềm điệp ốc, đây là kiến trúc phổ biến trong kiến trúc cung đình. Ảnh: Trần Ngọc Bình.

Đối diện Hồ Lưu Khiêm là Khiêm Cung Môn (cổng vào khu vực cung điện), cổng bao gồm 2 tầng: tầng dưới có 3 cổng vào, cổng ở giữa dành cho nhà vua nhưng khi hoàng đế băng hà thì cánh cổng này cũng được đóng lại. Hai bên là 2 cổng dành cho quan văn và quan võ; tầng trên của cổng là nơi dành cho nhà vua vọng cảnh đất trời mỗi lúc nhàn rỗi. Trên nóc cổng còn có hình 2 con rồng trong tư thế “lưỡng long chầu nguyệt”. Hai bên tả hữu là Pháp Khiêm và Lễ Khiêm, 2 dãy nhà dành cho quan văn và quan võ theo hầu. Điện chính của lăng Tự Đức là Hòa Khiêm Điện, đây là nơi làm việc của nhà vua khi còn sống, và được sử dụng làm nơi thờ hoàng đế và hoàng hậu sau khi hoàng đế băng hà. Cách bố trí trong điện lần lượt từ ngoài vào trong, đầu tiên sẽ là án thờ ở vị trí ngoài cùng, tiếp theo là bàn thờ, sập thờ và trong cùng là khám thờ, nơi để bài vị của hoàng đế và hoàng hậu Lệ Thiên Anh. Hiện nay trong khuôn viên của điện Hòa Khiêm còn trưng bày một số hiện vật liên quan đến đời sống sinh hoạt của hoàng đế Tự Đức và các phi tần như cành vàng lá ngọc, bộ trò chơi đầu hồ, đôi hài, tập thơ, đôi đũa kim giao… Đặc biệt, bộ sưu tập tranh gương được trưng bày tại đây cũng rất có giá trị.

Khiêm Cung Môn (ảnh chụp khoảng năm 1920, nguồn aavh.org) Các bà phi ở lăng hoàng đế Tự Đức (ảnh chụp khoảng năm 1922, nguồn aavh.org)

Có thể nói rằng Khiêm Cung được xem là hành cung thứ hai của nhà vua, do đó, hoàng đế Tự Đức đã cho xây một nhà hát cho riêng mình trong khu vực lăng. Đó chính là nhà hát Minh Khiêm Đường. Đây được xem là một trong những nhà hát cổ nhất của Việt Nam, được xây dựng vào thế kỷ 19. Tự Đức không chỉ là ông hoàng của thơ mà còn của nhạc, ông đã viết khá nhiều vở tuồng và cho diễn tại Minh Khiêm Đường. Phía trên sân khấu chính là “nhị thập bát tú”, gồm 28 vì sao, trước đây trên các vì sao này có gắn các khối thủy tinh nhỏ; và khi nhà vua xem tuồng, tất cả các cửa của Minh Khiêm sẽ được đóng kín, bên trong thắp nến, ánh nến từ bên dưới hắt lên cùng với các khối thủy tinh sẽ tạo ra một khung cảnh lung linh huyền ảo cho nhà hát. Song giờ đây các khối thủy tinh này đã không còn. Lương Khiêm Điện nằm phía sau điện Hòa Khiêm. Là khu vực dành cho hoàng đế nghỉ ngơi. Về sau nó được sử dụng làm nơi thờ tự bà Từ Dũ, mẹ của hoàng đế Tự Đức. Bà là người có công với đất nước. Chính bà là người giúp đỡ nhà vua rất nhiều trong việc cai trị đất nước. Hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh có một bệnh viện lớn mang tên bà đó là bệnh viện Từ Dũ. 

Khu vực điện Hòa Khiêm, Lương Khiêm, Minh Khiêm Đường (Ảnh: Trần Ngọc Bình)

Như các khu lăng tẩm triều Nguyễn khác, trong khuôn viên lăng Tự Đức còn dành riêng một khu vực cho các bà phi theo hầu hoàng đế lên lăng thưởng cảnh (khi hoàng đế còn sống) và lo việc hương khói (khi hoàng đế đã qua đời). Đó là khu Y Khiêm Viện và Trì Khiêm Viện, hiện các công trình này đã bị hư hỏng hoàn toàn nhưng các dấu tích như tường thành, giếng nước, sân gạch, cửa tò vò… sẽ khiến du khách ngậm ngùi không nguôi...

Mở đầu khu vực Lăng mộ chính là khu vực nhà bia với tấm bia Khiêm Cung Ký, là văn bia khắc bài văn do chính hoàng đế Tự Đức biên soạn vào năm 1871. Khác với những lăng khác, bia Khiêm Cung ký không được sáng tác với nội dung đề cao công lao hay đức hạnh của hoàng đế đã mất, nội dung chủ yếu của bia là ghi lại quá trình xây dựng lăng, mô tả cảnh quan lăng và bày tỏ nỗi lòng của nhà vua đối với đất nước. Chính vì vậy, bia Khiêm Cung Ký là tấm bia độc bản, không trùng với bất cứ nội dung bia nào khác. Ngoài ra, đây là tấm bia có số lượng văn tự nhiều nhất ở Việt Nam với 4.935 chữ Hán khắc trên cả hai mặt bia, cũng là tấm bia có kích thước đồ sộ, trọng lượng lớn nhất trong các bia cùng loại ở lăng các hoàng đế Nguyễn. Đặc biệt, đây cũng chính là nơi lưu giữ nét bút của chính tác giả trên văn bia - bút tích của hoàng đế Tự Đức. Khu vực lăng mộ, nơi chôn cất thi hài của hoàng đế được bao quanh bởi lớp tường thành, phía trước - sau đều có tấm bình phong làm tiền án và hậu chẩm, lấy hồ Tiểu Khiêm là yếu tố minh đường, bốn bề thông reo. Chính giữa là bia mộ hoàng đế được xây bằng đá. Tuy nhiên, nơi đặt thi hài của nhà vua được giữ bí mật hoàn toàn. Ảnh: Trần Ngọc Bình.

Đặc biệt, trong khuôn viên lăng hoàng đế Tự Đức còn có khu vực lăng của Lệ Thiên Anh hoàng hậu, vợ chính thức của hoàng đế Tự Đức. Tên thật của bà là Võ Thị Duyên, là người đoan trang, xuất thân từ gia đình danh giá có học vấn, hiểu lễ nghi. Hoàng hậu băng thệ vào năm 1904 và được an táng trong khuôn viên lăng của chồng mình. Ảnh: Trần Ngọc Bình.

Lăng hoàng đế Kiến Phúc - vị hoàng đế thứ 7 của triều Nguyễn. Tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Đăng, là con thứ ba của Kiên Thái Vương và là một trong ba người con nuôi của hoàng đế Tự Đức. Ông lên ngôi tháng 12 năm 1883, làm vua được 8 tháng thì mất. Do hoàn cảnh binh biến thời bấy giờ nên hoàng đế Kiến Phúc không xây dựng lăng mộ cho riêng mình mà được an táng trong khuôn viên lăng hoàng đế Tự Đức. Nguyên nhân cái chết của nhà vua đến nay vẫn còn nhiều nghi vấn Có thể thấy rằng, lăng hoàng đế Tự Đức là sự kết hợp tài tình giữa kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên đã tạo nên một bức tranh sơn thuỷ hữu tình cũng như phản ánh được tâm hồn lãng mạn trữ tình của một ông vua thi sĩ.  Cho đến hiện nay Khiêm Lăng là một trong số những khu lăng mộ của các hoàng đế Nguyễn còn bảo lưu tương đối nguyên vẹn các công trình kiến trúc và cảnh quan đặc sắc. Khiêm Lăng chính là “khu vườn đặc biệt” mà bạn phải dừng chân khi đến Huế!

Ảnh: Trần Ngọc Bình.

 
Trang chủBộ tranh "Nhị thập tứ hiếu" ở lăng Kiên Thái Vương
Liên kết Website
Bản quyền Website thuộc về Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế
Địa chỉ: 03 Lê Trực, phường Đông Ba, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế
Điện thoại: +84.234.3 524 429 - Fax: +84.234.3 522 879
Email: info@baotangcungdinh.vn
Xin ghi rõ nguồn “Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế” khi sử dụng thông tin từ Website này.