Ngày đông nói chuyện lồng ấp.
Cập nhật ngày: 11/01/2021 12:00:00

 

Lồng ấp là vật dụng được đa số người dân Việt thời xưa dùng sưởi ấm trong những ngày đông tháng giá. Lồng ấp được chế tác bằng nhiều chất liệu khác nhau: vàng, bạc, đồng, đất nung, gốm… Đây là những vật dụng sinh hoạt không chỉ sử dụng trong dân gian mà còn rất phổ biến chốn cung đình. Những chiếc lồng ấp được làm bằng kim loại thường dành cho vua quan, tầng lớp khá giả trong xã hội, còn thường dân chỉ dùng lồng ấp bằng gốm, đất nung.

Thời Nguyễn, những chiếc lồng ấp bằng đồng dùng sưởi ấm trong mùa đông lạnh giá của xứ Huế rất được tầng lớp vua, quan và các phi tần trong nội cung ưa chuộng. Tương truyền, để chống lại mùa đông rét mướt và mưa dầm xứ Huế và để an ủi cho các phi tần chưa một lần diện kiến mặt nhà vua, triều đình qui định: đến ngày Đông chí, tất cả các bếp lửa trong Tử Cấm Thành đều phải tắt hết, đúng vào lúc nửa đêm, khi cái lạnh giá bắt đầu len lỏi vào tận chốn khuê phòng, nhà vua cho nhóm một bếp lửa lớn ở điện Càn Thành, lúc ấy các phi tần trong cung mang lồng ấp đến để vua cho mỗi người một ít lửa, mang về sưởi ấm và ấp ủ niềm hy vọng sẽ có một ngày được vua quan tâm đến.

Hiện nay Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế còn lưu giữ một số lồng ấp với nhiều kiểu dáng khác nhau như hình trái bí, hình chữ nhật, hình ô van, hình tròn, hình cầu… được trang trí nhiều đề tài sinh động, gởi gắm những ước vọng của con người trong cuộc sống như: hoa mai, hoa thị, hoa sen, cây ngô đồng, cây tùng… biểu tượng về một lời chúc may mắn, hạnh phúc bền vững, giàu sang và tốt lành. Những kiểu thức trang trí kết hợp động thực vật như đôi bạn thân không thể tách rời trong cảnh thiên nhiên: tùng lộc, mai điểu, mẫu đơn, chim én… mang ý nghĩa về một cuộc sống trường thọ, phú quý, quân tử. Ngoài ra, cũng mang ý nghĩa trường thọ nhưng được thể hiện dưới dạng minh văn như chữ 壽 (thọ). Đặc biệt, motif trang trí bát bửu với các đồ vật như: cây ngọc như ý, cặp sanh, phương thắng, ống sáo, khánh, lẵng hoa, sen, bảo bình... đều mang ý nghĩa của sự an lành, hòa hợp bền vững. Nhìn chung, đề tài trang trí trên các lồng ấp thời Nguyễn, mặc dù mang nặng tính cung đình nhưng không vì thế mà cách thể hiện trở nên gò bó theo một trật tự của các dạng đồ án cổ điển vốn được thể hiện nghiêm ngặt trên một số vật dụng cùng chất liệu (như đồ thờ tự, tế lễ).

Ngày nay, những chiếc lồng ấp bằng đồng không còn được sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày nữa, bởi điều kiện và mức sống đã được nâng cao. Tuy nhiên sự tồn tại của bộ sưu tập lồng ấp thuộc Bảo tàng CVCĐ Huế là những cổ vật lý thú giúp chúng ta hiểu thêm đời sống sinh hoạt chốn cung đình xưa, góp thêm tư liệu vào việc nghiên cứu lịch sử và đời sống xã hội thời Nguyễn trên đất Huế.

Các tin khác:
Trang chủBộ tranh "Nhị thập tứ hiếu" ở lăng Kiên Thái Vương
Liên kết Website
Bản quyền Website thuộc về Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế
Địa chỉ: 03 Lê Trực, phường Đông Ba, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế
Điện thoại: +84.234.3 524 429 - Fax: +84.234.3 522 879
Email: info@baotangcungdinh.vn
Xin ghi rõ nguồn “Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế” khi sử dụng thông tin từ Website này.