Nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23 tháng 11, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã chính thức mở cửa trở lại Khu cổ vật Chàm, giới thiệu 3 nhóm hiện vật được phát hiện và khai quật ở các khu vực Bình-Trị-Thiên, Trà Kiệu (Quảng Nam) và Tháp Mẫm (Bình Định) nhằm giới thiệu đến du khách những tác phẩm điêu khắc có giá trị của một nền văn minh, nghệ thuật Champa rực rỡ một thời.
Kinh đô Trà Kiệu được hình thành vào khoảng thế kỷ IV-V, là kinh đô của tiểu quốc Amaravati Champa (Chiêm Thành). Các tác phẩm điêu khắc bằng sa thạch từ các ngôi đền thuộc đạo Bà-la-môn của các vương triều Champa kinh đô này được giới thiệu tại Khu cổ vật Chàm vốn được đưa về Huế sau cuộc khai quật của trường Viễn Đông Bác Cổ do nhà khảo cổ học người Pháp Jean-Yves Claeys chủ trì vào những năm 1927-1928. Trong số nhiều hiện vật được đưa về Huế, một số tác phẩm được lựa chọn để giới thiệu trong lần trưng bày này có niên đại từ khoảng thế kỷ thứ VII đến thế kỷ XII, bao gồm tượng Sư tử/Nhân sư (Narasimha) - một hóa thân của thần Visnu, Đấng Bảo tồn Vũ trụ; tượng thần sấm sét Indra –thần chủ của một ngôi đền Bà-la-môn tại Kinh thành Sư tử (Simhapura) và cũng là tượng Indra duy nhất phát hiện được tại di tíchTrà Kiệu; đầu tượng thiên nhân (Deva), tượng voi, khỉ, vũ công…Phần lớn các tác phẩm điêu khắc ở kinh đô Trà Kiệu đều có kích thước lớn, thể hiện thủ pháp tạo hình độc đáo và sinh động của nghệ thuật điêu khắc Champa, định hình thành một phong cách riêng cho thời kỳ này. Bên cạnh đó, các tác phẩm này cũng cho thấy kỹ thuật xây dựng kết hợp gạch và đá phổ biến trong kiến trúc đền-tháp Champa từ thế kỷ XI.
Muộn hơn một chút, hầu hết những tác phẩm điêu khắc của Tháp Mẫm (khu vực thành Đồ Bàn/Chà Bàn của vương quốc cổ Champa) có niên đại khoảng từ thế kỷ XII-XIII. Đây là thời kỳ tiểu quốc Vijaya (Nagara Vijaya) ở vùng Bình Định giữ vai trò trung tâm của vương quốc Champa và có mối liên kết sâu sắc với đế chế Angkor của Campuchia trên tuyến giao thương đường bộ kết nối với cảng-thị Thị Nại/Sri Boney (Quy Nhơn) rồi hòa nhập vào mạng lưới hải thương quốc tế. Các tác phẩm được giới thiệu tại Khu cổ vật Chàm được Jean-Yves Claeys khai quật năm 1934 đều là những tác phẩm có kích thước lớn, bằng chứng cho sự phát triển toàn diện về kinh tế và văn hóa của vương quốc Champa từ thế kỷ XI. Đây là những tượng chim thần Garuda hoặc tượng Kinnara nửa người, nửa chim được chạm khắc cầu kỳ, trau chuốt, bộc lộ xu hướng thẩm mỹ tinh tế của giới quý tộc Champa thời kỳ này.
Đặc biệt, sưu tập cổ vật Champa được giới thiệu lần này sẽ tập trung vào các tác phẩm điêu khắc có xuất xứ thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế với niên đại trải dài từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XV với nhiều tác phẩm độc đáo, trong đó phải kể đến các tác phẩm điêu khắc là những tượng thờ trong chính điện của một ngôi đền, như tượng nam thần, tượng Linga hoặc cặp ngẫu tượng yoni-linga, các bức phù điêu trang trí trên kiến trúc có kích thước lớn như tượng Makara, tượng thần Lửa Agni, tượng đạo sĩ, tượng thần Siva-đạo sư, v..v..Phần lớn các tác phẩm được lựa chọn trưng bày đều có giá trị nghệ thuật cao và loại hình phong phú với xuất xứ cụ thể, góp phần minh chứng cho sự tồn tại của những ngôi đền tháp của đạo Bà la môn ở miền Trung trong quá trình tiếp thu văn hóa đa dạng của vương quốc Champa, trong đó ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ là đặc điểm nổi bật của giai đoạn này. Đây cũng chính là những chứng cứ vật chất sinh động để tìm hiểu lịch sử hình thành vùng đất trọng yếu này trong sự hình thành những sắc thái đặc thù của văn hóa Champa và sau này là văn hóa miền Trung-văn hóa Huế trong suốt nhiều thế kỷ.
Việc mở cửa trở lại Khu cổ vật Chàm sẽ đem đến cho du khách và các thế hệ học sinh, các nhà nghiên cứu một điểm đến hấp dẫn, thú vị trên hành trình khám phá di sản văn hóa của cố đô Huế.