In trang này
Sưu tập đồ đồng thời Nguyễn
Cập nhật ngày: 15/02/2019 10:34:51
Đồ đồng có mặt phổ biến trong đời sống sinh hoạt hoàng cung với nhiều tính chất: đồ gia dụng (mâm, chậu, ấm nước, bếp lò, bàn là, đồ ăn trầu…); đồ dùng trong hoạt động nhà nước (ấn, thẻ bài, sách đồng, tiền xu, dụng cụ đo lường…); đồ trang trí (các con thú, bình hoa…); đồ nhạc khí (chuông, khánh, chiêng…), đồ thờ tự và nghi lễ (chân đèn, lư, bình hoa, con vật linh (con nghê); các loại vũ khí (súng thần công, gươm, giáo)…Hầu hết các sản phẩm nói trên đều do cơ quan Chú Tượng ty của triều đình và các phường hội thủ công dân gian khắp cả nước sản xuất.

Truyền thống của người Việt là coi trọng việc tế lễ và thờ cúng tổ tiên, do vậy, đồ tự khí được sản xuất với số lượng nhiều. Đồ tự khí được đặt trên bàn thờ, bài trí nơi tôn miếu, dùng cho việc cúng tế nên được sản xuất chất liệu đồng tốt, kiểu dáng và kích cỡ đa dạng, đặc biệt là những chiếc lư, những con nghê...

Trang trí trên chất liệu đồng là một trong những yếu tố góp phần làm nên nét đặc sắc của mỹ thuật thời Nguyễn. Ngoài những họa tiết được hình thành từ quá trình đúc, gò, chạm... người thợ còn áp dụng nguyên tắc khảm tam khí lên chất liệu đồng như vàng, bạc, đồng đỏ. Nhờ tính năng bền vững nên đồ đồng thường được trang trí các kiểu thức rất phong phú, trong đó motif được sử dụng nhiều nhất là linh vật và các hoa văn cung đình.

In trang này