In trang này
HOÀNG THÁI HẬU TỪ DỤ VÀ TẬP TỪ HUẤN LỤC – NHỮNG GHI CHÉP LỜI DẠY CỦA MẸ CỦA VUA TỰ ĐỨC
Cập nhật ngày: 08/03/2021 02:32:19

 

Hoàng thái hậu Từ Dụ (tức Nghi Thiên Chương Hoàng hậu) tên thật là Phạm Thị Hằng. Bà sinh ngày 19 tháng 5 năm Canh ngọ (tức ngày 20/6/1810) tại Gò Công (thuộc tỉnh Tiền Giang ngày nay). Cha của bà là Lễ bộ Thượng thư, Cần Chánh Điện Đại học sĩ, Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng, là vị quan thanh liêm, văn võ song toàn nên được các vị vua Nguyễn giao giữ nhiều chức vụ quan trọng.

Được sinh ra và lớn lên trong môi trường gia giáo, người con gái dòng dõi trâm anh đất Gò Công từ nhỏ đã có thiên hướng thích đọc sách, lớn lên thông kinh sử, nổi tiếng là người hiền thục, hiếu thảo. Vì thế, năm 14 tuổi, bà được Thuận Thiên Cao Hoàng hậu tuyển vào cung để hầu Hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Miên Tông (sau này là vua Thiệu Trị) lúc này đã 17 tuổi.

 

Hoàng thái hậu Từ Dụ (tức Nghi Thiên Chương Hoàng hậu) tên thật là Phạm Thị Hằng. Bà sinh ngày 19 tháng 5 năm Canh ngọ (tức ngày 20/6/1810) tại Gò Công (thuộc tỉnh Tiền Giang ngày nay). Cha của bà là Lễ bộ Thượng thư, Cần Chánh Điện Đại học sĩ, Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng, là vị quan thanh liêm, văn võ song toàn nên được các vị vua Nguyễn giao giữ nhiều chức vụ quan trọng.

Được sinh ra và lớn lên trong môi trường gia giáo, người con gái dòng dõi trâm anh đất Gò Công từ nhỏ đã có thiên hướng thích đọc sách, lớn lên thông kinh sử, nổi tiếng là người hiền thục, hiếu thảo. Vì thế, năm 14 tuổi, bà được Thuận Thiên Cao Hoàng hậu tuyển vào cung để hầu Hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Miên Tông (sau này là vua Thiệu Trị) lúc này đã 17 tuổi.

Cung Diên Thọ - cung của Thái hậu Từ Dụ ở Hoàng thành Huế. (Ảnh: Hoàng Sơn).

 

Xuất thân từ một gia đình danh gia vọng tộc, bà sớm được tiếp thu và rèn luyện những phẩm hạnh tốt đẹp của người phụ nữ khéo biết sắp xếp, quản lý công việc hậu cung, giữ bổn phận làm người con dâu hiếu thảo, người vợ đoan chính, người mẹ hiền thục, hiểu rõ “đạo vợ chồng, phong thái “uy nghi trang trọng, vui giận chẳng biểu hiện sắc mặt”. Bà xứng đáng không chỉ là người phụ nữ được chọn để chăm lo hầu hạ bên cạnh hoàng đế mà còn có đầy đủ phẩm hạnh để làm gương cho kẻ dưới, là bậc mẫu nghi thiên hạ suốt hơn nửa thế kỷ dưới triều Nguyễn.

Ảnh chụp 2 trang bản gốc tập Từ huấn lục của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế

 

Bà Từ Dụ chỉ có một người con trai duy nhất là hoàng tử Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, sau này là vua Tự Đức. Từ nhỏ, thể trạng nhà vua đã hay đau ốm nên bà không giao con cho nhũ mẫu như những người khác mà tận tay chăm sóc, nuôi dưỡng. Có lẽ vì thế mà ngay cả khi đã trưởng thành, trở thành người kế nghiệp ngai vàng, vai trò của người mẹ vẫn vô cùng quan trọng đối với nhà vua. Những lời răn dạy của bà đều được vua Tự Đức chép lại thành một tập sách mang tên Từ huấn lục và luôn mang theo bên mình để ghi nhớ lời mẹ dặn.

Đây là một tác phẩm độc đáo và duy nhất, vừa thể hiện hình thức học tập lễ giáo trong phạm vi gia đình của bậc đế vương như một mẫu mực để thiên hạ noi theo, đồng thời còn là tác phẩm được chính tay hoàng đế ghi chép lại từ những lời dạy của Hoàng thái hậu, điều chưa từng có trong lịch sử các triều đại quân chủ ở Việt Nam.

Ấn Từ Dụ Bác Huệ Thái hoàng Thái hậu chi bảo. (Nguồn: Bảo tàng Lịch Sử Quốc gia).

 

Từ huấn lục - tập ghi chép lời mẹ dạy bằng chữ Hán của vua Tự Đức (1829-1883), chính là cánh cửa hé ra một góc nhìn về đời sống nội cung ở một thời quá vãn. Mỗi câu chuyện trong tác phẩm này cũng là đường dẫn đi đến thế giới tâm tư của một vị hoàng đế chí hiếu nhưng sinh gặp thời đất nước ở trong tình thế nguy nan. Hơn thế, mỗi câu chữ của Từ huấn lục chính là một nét bút vẽ nên chân dung của mẹ đức vua - Hoàng thái hậu Từ Dụ (1810-1901), người phụ nữ được sử sách ghi nhận là một bậc mẫu nghi thiên hạ - thông minh, nghiêm từ, đôn hậu.

Nhân dịp Ngũ tuần đại khánh của Thái hậu Từ Dụ, các phi tần của vua Tự Đức cũng được tấn phong, các quan cũng được ban thưởng. Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện còn lưu giữ một cuốn Thể sách, tấn phong Triệu phi Nguyễn Đình Thị Lan lên làm Thiện phi năm Tự Đức thứ 13 (1860) nhân dịp Ngũ tuần đại khánh của Thái hậu.

Những ghi chép của vua về những lời mẹ dạy không chỉ thể hiện hình ảnh của một người con hiếu thảo mà còn thể hiện sự gắn bó khăng khít giữa nhà vua với thân mẫu, đồng thời tác phẩm cũng cho thấy tầm ảnh hưởng của Hoàng thái hậu Từ Dụ đối với vua Tự Đức và trong triều đình Nguyễn giai đoạn nửa cuối thế kỷ 19. Qua những câu chuyện nhỏ gắn với người mẹ, bản ghi chép của vua Tự Đức phản ánh chân dung của chính mình từ góc độ của một người con có những đam mê, sở thích bình dị như việc ham thích bắn chim; hay câu chuyện hết sức đời thường như việc sợ tiếng súng thần công và ngựa, được mẹ cho đốt pháo để tập làm quen với âm thanh. Những tích truyện trong sử sách và cách xử trí trong đời thường được người mẹ khéo léo dẫn giải, hướng cho con cách nghĩ, cách suy xét thấu đáo, hướng thiện, diệt ác, chú trọng đề cao đức hạnh, công, chính, giữ gìn hiếu, lễ, cần kiệm. Từng chút một, những bài học từ thực tế và những lời răn dạy của mẹ được nhà vua ghi nhớ, vận dụng, chiêm nghiệm trong cuộc sống và trong cách ứng xử, cách điều hành công việc.

Đám tang của Hoàng thái hậu Từ Dụ, năm 1901 (Nguồn: AAVH.org).

Hoàng thái hậu Từ Dụ mất ngày 5 tháng 4 năm Tân Sửu (nhằm ngày 22/5/1901), được triều đình hoàng đế Thành Thái dâng thụy hiệu “Nghi Thiên Tán Thánh Từ Dụ Bác Huệ Trai Túc Tuệ Đạt Thọ Đức Nhân Công Chương Hoàng hậu” (儀天贊聖慈裕博惠齋肅慧達壽德仁功章皇后) và thờ cùng hoàng đế Thiệu Trị tại Thế Tổ Miếu.

Xương Thọ Lăng (lăng Thái hậu Từ Dụ) ở xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Hoàng Sơn).

 

Số phận đã chọn Hoàng thái hậu Từ Dụ làm nhân chứng lịch sử cho suốt 10 đời vua Nguyễn. Bà sinh ra vào thập kỷ đầu của thế kỷ 19 khi vua Gia Long đang ra sức xây dựng và củng cố triều đại của một đất nước mới được thống nhất toàn vẹn sau hàng thế kỷ bị phân lập; trải qua những tháng năm huy hoàng thịnh vượng nhất của triều đại; rồi lại phải chứng kiến những thảm cảnh bi thương của dân tộc khi nước mất nhà tan, chủ quyền đất nước rơi vào tay ngoại bang với ba miền ở ba chế độ cai trị khác nhau: Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ; và ra đi vào thập kỷ đầu của thế kỷ 20 dưới triều vua Thành Thái. Hoàn cảnh lịch sử đã đặt lên vai bà sứ mệnh của một người phụ nữ kiên cường, dù trực tiếp hay gián tiếp, dù xuất phát từ ý muốn chủ quan hay do hoàn cảnh khách quan thúc đẩy, bà đã đóng vai trò không nhỏ trong việc giữ gìn ổn định hậu cung, nêu tấm gương mẫu mực của một bậc mẫu nghi thiên hạ trong suốt chặng đường hơn nửa cuộc đời mình.

Bà được an táng tại Xương Thọ Lăng, nằm trong quần thể không gian rộng lớn của Xương Lăng (lăng vua Thiệu Trị) thuộc địa phận núi Cư Chính, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điện Lương Khiêm (Khiêm Lăng - lăng vua Tự Đức) nơi thờ vọng Thái hậu Từ Dụ (Ảnh: Hoàng Sơn).

Bà Từ Dụ là vị Thái hậu duy nhất của triều Nguyễn được thờ vọng trong cùng một khu lăng tẩm của con trai mình, mặc dù bà tạ thế sau con mình 18 năm. Việc thờ vọng này được chính vua Tự Đức căn dặn trước khi băng hà. Điều này hẳn xuất phát từ việc bản thân ông không có con nối dõi nên muốn linh hồn Thái hậu sau khi mất vẫn được an ủi, sớm tối phụng thờ.

Tác phẩm được xem là duy nhất trong lịch sử Việt Nam, ghi lại lời mẹ dạy của một vị hoàng đế như Từ huấn lục, cho đến nay vẫn chưa được nhiều người biết đến. Hiện nay, Ban tu thư Đại học Hoa Sen phối hợp với Nhà xuất bản Văn hóa – Văn Nghệ, thành phố Hồ Chí Minh đã cho xuất bản cuốn sách “Từ huấn lục – Những ghi chép lời dạy của Hoàng Thái hậu Từ Dụ” do nhóm tác giả Trần Đại Vinh, Võ Khắc Vãng, Huỳnh Thị Anh Vân, Nguyễn Thị Tâm Hạnh biên soạn, nhằm giới thiệu đến công chúng một góc nhìn khác về bà Từ Dụ, vua Tự Đức và đời sống hoàng cung triều Nguyễn. Sách có phát hành tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình và một số điểm ở thành phố Hồ CHí Minh.

In trang này