KHÁT VỌNG TÌM ĐƯỢC TRẠNG NGUYÊN QUA BÀI THƠ VUA MINH MẠNG BAN CHO SĨ TỬ
Cập nhật ngày: 01/09/2021 09:41:31
 

KHÁT VỌNG TÌM ĐƯỢC TRẠNG NGUYÊN

QUA BÀI THƠ VUA MINH MẠNG BAN CHO SĨ TỬ

Nguyễn Phước Hải Trung[1]    

Xưa nay, trong nhiều sách khi viết về triều Nguyễn thường nhắc đến quy định “tứ bất lập” hay “ngũ bất lập” trong “cơ chế tổ chức” của triều đại này. Đó là không lập Tể tướng, không lập Hoàng hậu, không lập Hoàng thái tử, không phong tước Vương cho người ngoài, không lấy Trạng nguyên. Thực ra qua tài liệu chính sử cũng như qua giải thích các nguyên nhân khách quan và cả qua thể chế điều hành của triều Nguyễn có thể bác bỏ những suy luận về quy định đó. Ở đây trong khuôn khổ nội dung quan tâm, chúng tôi chỉ nói việc “không lấy Trạng nguyên” mà thôi.

Trước hết, xin được dẫn những nội dung liên quan qua các tác giả in trong sách mà theo chúng tôi là tiêu biểu:

- Tác giả An Chi (Nguyễn Thiện Hoa) nhận định: “Vương triều Nguyễn Phúc không những không thực hiện “ngũ bất” mà cũng chẳng thực hiện “tứ bất”. Vì thực tế chỉ có “tam bất” mà thôi. Đó là: không lập Hoàng hậu, không đặt Tể tướng và không lấy Trạng nguyên”. Và tác giả An Chi cũng cẩn thận nhận định thêm: “Nhưng đây chỉ là chuyện thực tế. Còn nhà Nguyễn có quy định hay không quy định (vì chỉ là ngẫu nghiên) về chuyện “tam bất” thì chúng tôi không dám khẳng định[2].

- Tác giả Nguyễn Phan Quang nhận định: “Nhằm tập trung quyền lực và đề phòng mọi sự lấn át quyền của nhà vua, Gia Long đặt ra lệ “bốn không” (tứ bất): trong triều không đặt chức tể tướng, thi đình không lấy Trạng nguyên, trong cung không lập hoàng hậu, không phong tước vương cho người khác[3].

- Tác giả Nguyễn Đắc Xuân nhận định : “Để tránh chuyện chuyên quyền bè phái, nhà Nguyễn đã đề ra 4 việc không lập (tứ bất lập). Trong triều không lập Tể tướng, ở chốn hậu cung không lập Hoàng hậu, không lập Thái tử và kết quả thi Đình không lấy Trạng nguyên cho nên người đỗ cao nhất thời Nguyễn cũng chỉ tới Bãng nhãn là cùng[4]

- Tác giả Huỳnh Công Bá nhận định: “Để đảm bảo uy quyền tuyệt đối của nhà vua và dòng họ cai trị, vua Gia Long cho đặt lệ “tứ bất lập”, gồm 4 điều không lập: không đặt tể tướng, không lập hoàng hậu, không lấy trạng nguyên và không phong tước vương cho người ngoài hoàng tộc[5].

Hầu như, các tác giả chỉ suy luận điều này từ căn cứ thực tế diễn ra (đúng như nhận định của An Chi) để nhận định là triều Nguyễn đã đặt ra lệ không lấy trạng nguyên, không trưng dẫn được một minh chứng cụ thể nào. Ở đây, điều đầu tiên cần phải bàn tới và khẳng định là vua Gia Long không đặt ra lệ này.

Bởi lẽ, thời phong kiến, khoa cử được tổ chức lần lượt qua các khoa: thi hương, thi hội, thi đình mà muốn lấy trạng nguyên phải tổ chức khoa thi cao nhất là thi đình. Nhưng thực tế dưới triều Gia Long, đất nước trên đà chấn hưng, việc mở mang quốc học mới bắt đầu, khoa cử chưa mấy phát triển. Các kỳ khoa cử cao nhất được tổ chức vào giai đoạn này là thi Hương (lấy đỗ phân thành hai hạng cử nhân và tú tài[6]). Người đỗ cử nhân sẽ tiếp tục được dự khoa thi Hội, nhưng thi Hội lại là chuyện của triều đại sau.

Khoa thi Hội đầu tiên của triều Nguyễn được tổ chức lần đầu dưới thời Minh Mạng. Năm 1822, triều đình cử Trịnh Hoài Đức (Hiệp biện đại học sĩ) làm Chủ khảo trường thi Hội; Ngô Đình Giới (Hữu Tham tri bộ Hình) làm Phó chủ khảo; Đinh Phiên (Thị trung Trực học sĩ) và Vũ Xuân Biền (Tế tửu Quốc tử giám) làm Tri cống cử (kiểm tra, lập danh sách thi). Vua Minh Mạng ban dụ rằng : “Khoa thi Hội này là khoa đầu tiên, là điển lễ quan trọng, các ngươi nên rất mực công bằng, đừng phụ lời khuyên bảo của trẫm[7]

Cách thức thi Hội dưới thời Nguyễn có sự thay đổi qua các triều, nhưng thường phổ biến là thí sinh phải trải qua bốn kỳ (4 trường / 4 lần) thi: kỳ một thi Kinh nghĩa (gồm 5 đề về Kinh sách, 1 đề về Truyện); kỳ hai làm 1 bài về văn sách (bài làm phải trên 1.600 chữ); kỳ ba thi về chiếu, biểu, luận (mỗi thứ 1 đề, bài chiếu, biểu giới hạn 300 chữ; bài luận phải trên 800 chữ); kỳ bốn thi về thơ, phú (thơ thi theo thể ngũ ngôn luật 8 vần, tức 16 câu; phú theo thể đường luật trên 300 chữ). Khoa thi Hội lấy đỗ phân thành hai hạng tiến sĩ và phó bảng. Người đỗ trúng cách (tiến sĩ) sẽ tiếp tục được dự khoa thi Đình.

Khoa thi Đình (đình thí/điện thí, thời Tự Đức gọi là Phúc thí) được tổ chức tại hoàng cung, muốn lấy đỗ Trạng nguyên thì phải căn cứ vào kết quả của khoa thi này. Đề thi Đình là một bài văn sách do vua ra. Đây là một đề thi khó, mà vào thời Nguyễn, có kỳ thi, nhà vua trực tiếp chấm thi, nhiều lúc không hài lòng về kết quả vua đã chủ trương tổ chức thi lại.

Những điều này cho thấy, vì trước năm 1822, triều Nguyễn chưa tổ chức thi Đình nên làm gì có chuyện vua Gia Long cho đặt lệ không lấy trạng nguyên (như nhận định của Nguyễn Phan Quang và Huỳnh Công Bá). Chuyện không có trạng nguyên qua các kỳ khoa cử vào thời Nguyễn lại liên quan đến quy định về kết quả thi mà chúng tôi sẽ bàn sau. Ở đây xin dẫn một chứng cứ để thấy sự khát khao muốn có được trạng nguyên ở một đoạn sử liệu và bài thơ do vua Minh Mạng ngự chế. Sách Minh Mệnh chính yếu có chép nội dung là năm Minh Mệnh thứ 19, hoàng đế đến xem xét kỳ thi Hội, gặp ngày mưa lạnh, quan trường thi ra nghênh đón, vua sai ban rượu cho viên này; lại cấp ban chia cơm rượu, hỏa lò, chiếu cói cho sinh viên dự thi; và lại ban thêm một bài thơ[8] do chính vua làm[9] (Đoạn này cũng được chép trong Đại Nam thực lục)[10]. Bài thơ vua ban trong dịp này đã được in lại trong Ngự chế thi sơ tập của vua Minh Mạng.

Vua Minh Mạng đã đặt thêm nhan đề bài thơ là 口 號 勸 會 試 士 (Khẩu hiệu khuyến Hội thí sĩ: Kêu gọi khích lệ sĩ tử tại kỳ thi Hội), nội dung như sau: 

     雪中送炭今朝有 

     吐盡英葩作狀元  

     松柏歲寒方識好  

     各須勉勵答君恩  

Phiên âm:

    Tuyết trung[11] tống thán kim triêu hữu,

   Thổ tận anh ba tác trạng nguyên.

   Tùng bách tuế hàn phương thức hảo,

   Các tu miễn lễ đáp quân ân.

Dịch thơ:

   Hôm nay rét lạnh đã ban than,

   Đem hết tinh hoa kiếm Trạng nguyên.

   Năm lạnh bách tùng lên tươi tốt,

   Cùng nhau gắng sức báo ơn trên.

TRANG NGUYENBài thơ cho thấy vua Minh Mạng rất xem trọng việc tìm được nhân tài qua khoa cử. Nhà vua khuyến khích sĩ tử “Đem hết tinh hoa kiếm Trạng nguyên”.

Trong thực tế, kết quả khoa thi năm 1838 này chỉ có 11 người đỗ hạng trúng cách (tiến sĩ) sau đó được tham dự thi Đình. Hai tháng sau, thi Đình được tổ chức vào tháng tư (nhuận). Kết quả thi Đình lần này như sau: Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân gồm 2 người là Nguyễn Cửu Trường, Phạm Văn Nghị; Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân gồm 8 người là Đinh Viết Thận, Phạm Chân, Nguyễn Văn Tùng, Lê Duy Trung, Trần Tiễn Thành, Hoàng Trọng Từ, Lê Thiện Trị, Doãn Khuê; phó bảng chỉ lấy được 10 người. Sử thần Phan Thúc Trực có miêu tả trong “Quốc sử di biên” như sau: “Tháng 3 thi Hội. Vua ngự lầu Minh Viễn xem làm văn. Cho các cử nhân than để sưởi; trưa đến ban bánh và nước trà. Đến lúc Đình thí, trúng cách, cho mỗi người hai áo thụng, một cây lọng, cho cưỡi ngựa vào vườn Quang Thư [sic] xem hoa; vào Trừng Tâm các ăn yến[12]. Sau khi có kết quả thi, vua Minh Mạng hỏi Hà Quyền[13] rằng: “Nguyễn Cửu Trường đỗ đầu thế nào? Thưa rằng văn của Cửu Trường rất có kiến thức. Vua bảo rằng: Trẫm xem văn, được thể thi Đình, còn Phạm Văn Nghị thì thuộc điển cũ mà thôi[14].

Trải qua các kỳ thi, không có người nào đạt số điểm theo quy định của việc lấy đỗ Trạng nguyên. Triều Nguyễn đã quy định rất cụ thể cho việc lấy đỗ Trạng nguyên qua các kỳ thi. Năm 1829, triều đình quy định lại cách thức chấm điểm của thi Hội. Bộ Lễ tâu: “Khoa trước duyệt quyển, chia làm ưu, bình, thứ, xin theo như phép thi Hội mới định, đổi làm phân số (…) Phàm văn lý được 10 phân thì xin cho đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên); 9 phân thì Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh (Bảng nhãn); 8 phân thì Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (Thám hoa); 7 phân, 6 phân thì Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp); 5 phân trở xuống thì Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (Tiến sĩ)[15].  Trong lịch sử khoa cử triều Nguyễn, chưa có người nào đạt được 10 phân (tức 10 điểm) để đạt học vị cao nhất là Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh cả, nên không có Trạng nguyên là vì lẽ đó[16]. Có hai người đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh là cao nhất (tức đạt 9 phân - 9 điểm) là: Phạm Thanh (người Thanh Hóa) và Vũ Duy Thanh (người Ninh Bình) đều cùng đỗ Bảng nhãn ở khoa thi 1851 triều Tự Đức.

Trải qua các kỳ thi Hội, chưa lúc nào đạt kết quả toàn bích để có được Trạng nguyên, chính vua Minh Mạng cũng hết sức tâm tư. Vua Minh Mạng đến xem xét và duyệt kết quả và nói với Phan Huy Thực ở bộ Lễ rằng: “Thi Đình rất khó lấy được người đỗ đệ nhất giáp. Nếu không lấy thì là thiếu nhân tài, mà lấy phiếm, e không làm thoả được nguyện vọng của sĩ phu[17]. Băn khoăn là như thế, nhưng khoa cử vẫn phải giữ lẽ công bằng. Không có Trạng nguyên thì vẫn chấp nhận kết quả, không miễn cưỡng để cân nhắc, vớt vát, khiến các sĩ tử không phục. Điều này còn nói lên khoa cử vào thời bấy giờ rất chú trọng tính khách quan, một lối tư duy đào tạo hướng đến thực chất. Đó là minh triết trong giáo dục đào tạo của người xưa.

Sử sách và thi ca đã ghi nhận thực tế trên. Nếu tìm hiểu rộng ra, tra cứu tất cả các loại chính sử của triều Nguyễn như Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Minh Mệnh Chính Yếu, Đồng Khánh, Khải Định chính yếu, v.v, không có một điều khoản nào quy định về “tứ bất lập” và không lấy đỗ Trạng nguyên cả. Nhiều người vẫn tin là triều Nguyễn đã đặt ra lệ “tứ bất lập” là điều dễ hiểu, nhất là trong tình hình thông tin, tư liệu về triều đại này trước đây còn “mập mờ” và hơn nữa khi mà triều Nguyễn chưa được đánh giá một cách công bằng và khoa học. Đáng tiếc, sự tin tưởng đó đã hệ lụy đến sự thật lịch sử - một mục đích cao cả mà khoa học lịch sử cần đạt tới.

Tóm lại với những minh chứng trong sử sách, đặc biệt là qua bài thơ kêu gọi khích lệ sĩ tử kỳ thi Hội năm 1838 của vua Minh Mạng, đến đây có thể khẳng định vua Gia Long và triều Nguyễn không ban hành lệ không lấy Trạng nguyên qua khoa cử như nhiều người vẫn nghĩ. N.P.H.T



[1] TS, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.   
[2] Kiến thức ngày nay, số 260, ra ngày 10/10/1997, in lại trong sách Chuyện Đông chuyện tây, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2006, Tập 3, tr.131-132.
[3] Nguyễn Phan Quang, Việt Nam thế kỷ XIX, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 1999, tr.14.  
[4] Nguyễn Đắc Xuân, Nghiên cứu triều Nguyễn và Huế xưa, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2012, tr.189.  
[5] Huỳnh Công Bá, Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2016, tr.992.  
[6] Cử nhân còn gọi là hương cống; tú tài còn gọi là sinh đồ, người đậu cao nhất của thi Hương gọi là Giải nguyên.
[7] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Viện Sử học dịch, tập 2, tái bản, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.153.
[8] Bài này trích trong sách Minh Mệnh chính yếu, ở phần Minh Mệnh năm thứ 19, tức là năm 1838. Năm này có khoa thi Hội Mậu tuất, Chánh chủ khảo là Trương Đăng Quế, Phó chủ khỏa là Hà Duy Phiên. Mặc dù khao khát nhân tài, mong lấy đỗ được trạng nguyên tại khoa thi này, nhưng sau đó, thực tế kết quả vẫn không như ý nhà vua. Khoa thi này có 2 vị đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, có 8 vị đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân.
[9] Trong Minh Mệnh chính yếu, nội dung này có nguyên văn chữ Hán như sau: 帝 御 觀 會 試 場 適 天 寒 雨 場 官 出 迎 命 賜 之 酒 再 分 給 應 試 生 員 酒 食 及 火 爐 草 簟 仍 賜 御 詩 一 絕 親 筆 以 示 之 詩 曰雪 中 送 炭 今 朝 有 吐 盡 英 葩 作 狀 元 松 柏 歲 寒 方 識 好各 須 勉 勵 答 君 恩 (Đế ngự quan hội thí trường, thích thiên hàn vũ, trường quan xuất nghinh mệnh, tứ chi tửu, tái phân cấp ứng thí sinh viên tửu thực cấp hỏa lư thảo điệm, nhưng tứ Ngự thi nhất tuyệt thân bút dĩ thị chi. Thi viết… [tiếp bài thơ trên].
[10] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, sách đã dẫn, tập 5, tr.219-220.
[11] Tuyết trung: trong tuyết. Ở đây nhà vua dùng hình ảnh tiết Đại tuyết để chỉ trời giá lạnh. Thực ra ở Kinh đô Huế không xuất hiện tuyết. Nhà vua cũng từng làm bài thơ về tiết Đại tuyết có câu đầu là (Đại tuyết nguyên vô tuyết: Đại tuyết mà không có tuyết).
[12] Phan Thúc Trực, Quốc sử di biên, tập trung, Viện Sử học dịch, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2019, tr.293.
[13] Hà Quyền (tức Hà Tông Quyền) bấy giờ là Tham tri bộ Lễ, làm việc ở Nội Các.
[14] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, sách đã dẫn, tập 5, tr.251.
[15] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, sách đã dẫn, tập 5, tr.666.
[16] Triều Nguyễn đã tổ chức 41 khoa thi Hội, thi Đình lấy đỗ được 293 vị tiến sĩ.
[17] Quốc sử quán triều Nguyễn, sách đã dẫn, tập 4, tr.503.
 
Các tin khác:
Trang chủBộ tranh "Nhị thập tứ hiếu" ở lăng Kiên Thái Vương
Liên kết Website
Bản quyền Website thuộc về Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế
Địa chỉ: 03 Lê Trực, phường Đông Ba, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế
Điện thoại: +84.234.3 524 429 - Fax: +84.234.3 522 879
Email: info@baotangcungdinh.vn
Xin ghi rõ nguồn “Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế” khi sử dụng thông tin từ Website này.