Thời Nguyễn (1802-1945), đồng sách (sách bằng đồng) xuất hiện dưới thời Tự Đức năm thứ 11 (1858) sau kim sách (sách bằng vàng) ngân sách (sách bằng bạc); sách đồng dùng để cải cấp (cấp lại) cho hoàng thân, công chúa, vợ các vua tiền triều thay cho sách bạc trước đó với quy định tất cả sách đồng cải cấp dùng tấn phong, tặng phong đều phải ghi lại ngày cải cấp ở cuối sách để tiện tra cứu. Năm 1869, khi Tôn Nhân phủ xin thu hồi ngân sách, ấn, quan phòng của hoàng thân, công chúa nấu chảy đúc thành thỏi bạc để chi dùng, thì đây cũng chính là năm triều đình Nguyễn chính thức làm đồng sách tấn phong cho 32 công chúa cùng một lần thay cho ngân sách trước đó.
Sách đồng được sử dụng nhiều dưới thời gian trị vì của hoàng đế Tự Đức (1848-1883). Kể từ năm 1885 về sau, có thể do ngân khố đất nước eo hẹp, triều Nguyễn ít dùng sách đồng, sách bạc để sách phong, việc truy phong, tấn phong hoàng thân, công chúa đều chuyển sang dùng thể sách (sách bằng lụa).
Sách tấn phong cho hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Bảo làm Tân An Quận Công vào ngày 21, tháng Giêng,
năm Quý mão, Thiệu Trị năm thứ 3 (1843), được cải cấp lại vào ngày 19 tháng 6 năm Tự Đức thứ 11 (1858).
Hiện nay Bảo tàng CVCĐ Huế đang lưu giữ 5 quyển sách đồng cải cấp được chế tạo dưới thời Tự Đức. Cả 5 quyển sách đồng đều có hình thức giống nhau, mỗi quyển có 5 lá đồng, 2 trang bìa trước và sau là trang đơn, 3 trang ruột kép, các trang kết nối với nhau bằng bốn khuyên tròn ở gáy phải của sách. Đồng sách, thể sách … hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng CVCĐ Huế là nguồn thư tịch cổ quý báu, nguồn cổ vật vô giá góp phần làm phong phú thêm kho tàng lịch sử văn hoá nước nhà.
|
|
Sách do Hoàng đế Tự Đức truy phong Cố Tài nhân Nguyễn Trinh Thị tước Tiệp dư, thụy Trinh Mỹ năm Tự Đức thứ 19 (1866). |
Sách do hoàng đế Tự Đức ban cho Tiệp dư Nguyễn Lương Thị tước Cẩn tần năm 1868, được cải cấp vào năm Tự Đức thứ 23 (1870). |