ĐẤU GIÁ MŨ QUAN, CHUYỆN GIỜ MỚI KỂ CỦA NHỮNG NGƯỜI TRONG CUỘC
Cập nhật ngày: 14/04/2022 05:08:20

Nguyễn Phước

Ngày 22/10/2021, một nguồn tin từ châu Âu cho biết nhà đấu giá ở Barcelona (Tây Ban Nha) đang chuẩn bị đưa đấu giá một chiếc mũ quan văn triều Nguyễn với giá khởi điểm từ 500 - 600 euro. Nội dung đấu giá cùng các hình ảnh về chiếc mũ quan này đã trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của cộng đồng.

Nhiều bài báo đã phân tích, bình luận về nó và về các cuộc đấu giá cổ vật… Và hôm nay, những cổ vật đã được “hồi hương” nhờ những nỗ lực, quyết tâm lớn của Thừa Thiên Huế cũng như sự sẻ chia đầy trách nhiệm của một doanh nghiệp…

Nhiều bài báo đã phân tích, bình luận về nó và về các cuộc đấu giá cổ vật… Và hôm nay, những cổ vật ấy đã được “hồi hương” nhờ những nỗ lực, quyết tâm lớn của Thừa Thiên Huế cũng như sự sẻ chia đầy trách nhiệm của một doanh nghiệp…

Mô tả chiếc mũ quan được đấu giá qua ảnh và giá trị văn hóa lịch sử của nó

Đây là loại mũ phốc tròn của quan văn. Toàn thân mũ được kết bằng đuôi ngựa theo kiểu “kết kép” là dùng 2 lông đuôi bện thành một dây để kết.

Toàn bộ họa tiết trang sức trên mũ đều làm bằng kim loại vàng.

- Ở mặt trước phía trên là 1 bác sơn, điêu khắc motif dây cúc hóa xung quanh, lưỡng long chầu nhật (cúc hóa nhật); Tiếp đến ở khu vực trung tâm cũng là 2 hoa cúc (hóa nhật, giữa đóa cúc có đính viên thủy tinh chạm lục lăng), hai bên hoa cúc chính diện là 2 con rồng chầu vào; Phần dưới cùng cũng là một họa tiết bác sơn với motif lưỡng long triều nhật (cúc hóa nhật, hoa lá hóa long);

- Ở hai bên trang trí 2 “kim khóa nhãn” motif lá hóa rồng. Tiếp đó là 2 cánh chuồn, đầu cánh chuồn trang trí cúc hóa rồng ngang, thân cánh chuồn trang trí hình rồng.

- Ở mặt sau cũng trang trí 2 hoa cúc (hóa nhật) và 2 rồng.

Đi kèm chiếc mũ là chiếc hộp đựng sơn son thếp vàng. Hộp hình chữ nhật đứng, quai hộp là “bồ lao” hai đầu rồng chạm trổ thếp vàng. Chân đế chạm hồi văn dây lá cũng chạm trổ thếp vàng. Bốn mặt bốn bên hộp vẽ motif tứ linh (long, lân, quy, phụng), ở mặt vẽ long, phụng xung quanh có chạm gờ nổi, vẽ trang trí thêm thành hình khung, tạo sự trang trọng của 2 vật linh này. Đây cũng là một cổ vật rất tinh xảo, cùng với chiếc mũ tạo ra một bộ cổ vật hoàn chỉnh.

Chiếc mũ nhanh chóng thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và nhận được sự đánh giá phân tích về giá trị.

TS. Trần Đức Anh Sơn cho rằng: “Tất cả những chiếc mũ tương tự ở Việt Nam hiện nay, kể cả hai chiếc đang trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam chỉ là mũ phục chế, thậm chí mô phỏng” và đây là chiếc mũ quan văn thời Nguyễn còn nguyên vẹn nhất mà ông nhìn thấy được từ trước tới nay.

Nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc phân tích, vấn đề thừa chi tiết về trang sức trên mũ so với phẩm hàm không phải là hiếm mà là phổ biến do được đặc ân. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là thừa đến 2 giao long, trường hợp này thật hi hữu, phản ánh một đặc ân chưa có tiền lệ. Qua phân tích từ ảnh tư liệu, ông Lộc cũng đã nhấn mạnh: Có một bức ảnh về một vị quan triều Nguyễn được chụp vào cuối thời vua Bảo Đại, cho thấy phía sau chiếc mũ của vị quan này cũng có 2 giao long chầu hoa rất giống chiếc mũ này, và các hoa trên mũ cũng được bố cục trong một vòng tròn. Vì vậy chiếc mũ đấu giá ở đây có lẽ cũng cùng thời với bức ảnh nêu trên  [nghĩa là thời Bảo Đại]. Đây cũng là chiếc mũ quan văn từ chánh nhất phẩm trở lên…

Nhìn lại lịch sử, dưới triều Nguyễn, áo mão là một phần trọng yếu của “chế độ Y quan và Lễ nhạc” vốn hình thành và phát triển từ thời Chu (TQ) là điển lệ hành chính phải tuân thủ. Áo mão thể hiện tính tôn ti, thứ bậc của quan lại  cũng là tôn ti, trật tự xã hội. Tính quy phạm mang định chế ấy thể hiện rõ quan điểm chính trị của một triều đại. Do vậy, áo mão là hình ảnh phản chiếu sự hưng thịnh, sự uy nghi của một đất nước. Một bài thơ trên điện Thái Hòa đã bài ghi nhận về tính chất này:

Võ yển văn tu hội, 

Hà thanh hải yến thì. 

Y quan Chu chế độ,  

Lễ nhạc Hán uy nghi.

 

Chỉnh lại văn, ngưng võ, 

Lúc sóng lặng biển yên. 

Áo mão Chu chế độ, 

Lễ nhạc Hán uy nghiêm.

Vào năm Vĩnh Bình  thứ 2, thời Đông Hán (TQ), Hán Minh Đế dựa theo tư tưởng truyền thống của Nho gia, chính thức chế định ra chế độ y quan (áo mão). Chế độ y quan bấy giờ gồm tế phục và triều phục, cụ thể như: quan miện, y thường, hài lí, bội thụ, v.v. mỗi loại đều có sự phân biệt đẳng cấp, phản ánh tôn ti, trật tự. Đây là sự khởi đầu chế độ y quan trong học thuyết Nho giáo được thực hiện và kế thừa qua nhiều thế hệ. Chế độ y quan thời Nguyễn, qua bài thơ trên được so sánh như các triều đại thịnh trị bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa là một cách để đề cao, thể hiện tự tôn dân tộc.

Do vậy, chiếc mũ này là một cổ vật góp phần làm rõ chế độ y quan của triều Nguyễn, mang ấn tích lịch sử và rất có ý nghĩa về văn hóa. Câu hỏi là, sẽ sở hữu chiếc mũ quan ấy thông qua đấu giá bằng phương cách nào ?

Hiện thực về đấu giá cổ vật bằng nguồn lực nhà nước

Ngày 23.10.2021, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Trung tâm BTDTCĐ Huế) nhắn tin cho các đồng nghiệp với nội dung tìm cách để tham gia đấu giá chiếc mũ này nhằm giữ lại tài sản văn hóa cho Huế. Nhiều ý kiến bàn thảo đưa ra, tất cả đều căn cứ vào thực tế vào 2 lần mà đơn vị từng tham gia đấu gía cổ vật trước đây (trường hợp bức tranh Chiều tà của vua Hàm Nghi và Chiếc xe kéo tay của Hoàng Thái hậu Từ Minh).

Nhiều tin nhắn qua về bàn thảo, tranh luận sôi nổi, nhưng chốt lại vẫn là 2 chữ “cơ chế”:

- Chiếc mũ và hộp đựng có giá 600 euro (giá công bố trên internet của Nhà đấu giá) chỉ mang tính khởi điểm. Thực tế, giá trị cả bộ hiện vật này lớn hơn nhiều, mà dự báo của những người làm nghiên cứu và từng thụ lý nhiều loại hồ sơ chuyển nhượng cổ vật ở Trung tâm ước khoảng 2 tỷ VND. Đó cũng chỉ là ước định cho một cổ vật tương ứng mà thôi, còn trên thực tế việc đấu giá diễn ra rất khó lường.

- Chỉ tiếp xúc qua bức ảnh, ai sẽ là người chịu trách nhiệm về độ chính xác của “cổ vật” trong khi mà theo quy định về quản lý nhà nước, muốn mua 01 cổ vật cho bảo tàng thì phải thành lập một Hội đồng thẩm định giá trị thật của cổ vật ? Việc đấu giá cổ vật trong những trường hợp tương tự chỉ có thể “đặt cược” vào uy tín của nhà tổ chức đấu giá mà thôi (Trước đây, vào ngày 19/7/2021, nhà đấu giá GWS Auctions, một công ty chuyên bán đấu giá đồ trang sức, ô tô và các vật phẩm Hoàng gia cổ có trụ sở tại Agoura Hills, California (Hoa Kỳ) đã đấu giá  một thanh kiếm mà họ cho là của Hoàng đế Thành Thái. Kết quả là thanh kiếm đã được bán với giá 50 ngàn USD và đây là một hiện vật mới, có tính chất ngụy tạo lịch sử).

- 600 euro hay 2 tỷ là những con số phỏng ước về giá cổ vật và cũng theo quy định, việc quyết định giá này trước hết sẽ do một Hội đồng thẩm định giá với sự tham gia của nhiều phía, vậy ngân sách sẽ cần chi bao nhiêu thì đủ?

- Trên thực tế, việc tham gia đấu giá cần có sự chủ động nhất định của người tham gia, nếu các bên tham gia đấu giá tiếp tục “bỏ giá” ở mức cao hơn số kinh phí mà Huế được cấp (nếu được phê duyệt) thì sẽ ứng xử ra sao: bỏ cuộc (như trường hợp đấu giá bức tranh Chiều tà năm 2010) hay gọi điện liên tục để xin ý kiến (như trường hợp đấu giá Chiếc xe kéo tay năm 2014) ?

Những thực tế trên đều có thể làm “chùn bước” nhà quản lý. Tháo gỡ là cực kỳ khó khăn, nếu không muốn nói là không tưởng.

“Khó, nhưng phải tìm cách”

Câu chuyện đấu giá tiếp tục được đàm thảo với nhà chức trách cao nhất của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông Nguyễn Văn Phương, đã vào cuộc với sự thể hiện quyết tâm cao độ: “Khó, nhưng phải tìm cách”.

Có lẽ là cơ duyên, hai vị lãnh đạo tập đoàn Sunshine (một tập đoàn kinh tế đa ngành) có chuyến tham quan Hoàng Cung Huế và làm việc với lãnh đạo tỉnh. Nhân chuyến tiếp xúc này, phía Thừa Thiên Huế có trao đổi về sự kiện đấu giá chiếc mũ trên. Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Bí thư Thành ủy Huế cùng Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm mời 2 đại diện của Sunshine tham quan điện Long An, nơi trưng bày cổ vật triều Nguyễn (Bảo tàng CVCĐ Huế) vào sáng 24/10/2021. Một “tour du lịch ngắn” tìm hiểu về di sản Huế qua cổ vật trưng bày tại đây thêm phần xúc tác, kích thích sự hưởng ứng rồi nhận lời tham gia đấu giá chiếc mũ quan này nhằm trao tặng cho nhân dân Thừa Thiên Huế của đại diện tập đoàn Sunshine. Chủ tịch Nguyễn Văn Phương nói vui: "Thế nào chiếc mũ này cũng về với hai ông Trung thôi" (tên của hai người trong ban giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế).

Trước và sau đó, rất nhiều nhà báo gọi điện để trao đổi với Trung tâm BTDTCĐ Huế về việc này. Dù vẫn có một niềm tin về dự kiến sắp thực hiện, trả lời trên báo Lao Động, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế cũng chỉ dè dặt và từ tốn trả lời rằng: “Chúng tôi đang theo dõi rất sát vụ đấu giá này nhưng sẽ không tham gia đấu giá vì rất nhiều lý do”. Chính sự hứa hẹn tham gia đấu giá của Sunshine mới khiến ông Giám đốc cả quyết là “đang theo dõi rất sát vụ đấu giá này” là vậy. 

Những người trong cuộc theo đó mà hồi hộp, chưa thể nói trước được điều gì, chỉ đợi chờ với quyết tâm, hy vọng…

Hồi hộp chờ… gõ búa

Như dự kiến, “theo dõi rất sát” phiên đấu giá chính thức mở lúc 21h (giờ Tây Ban Nha) ngày 28/10/2021 trên sàn đấu giá của Auctionet của nhà đấu giá Balclis qua màn hình máy tính, những “người trong cuộc” mới rõ được “trận chiến đấu giá” cam go dường nào. Ngoài một số người tham gia trực tiếp ở hiện trường, có hơn 40 người tham gia đấu qua hình thức online, mà muốn vào đấu giá online phải đăng ký tài khoản tham gia và có kinh phí “ký quỹ”, không phải ai muốn tham gia cũng được. Phiên đấu giá chính thức diễn ra từ khi khai cuộc đến khi kết thúc có thời lượng hơn 10 phút. Trong khi đó, thời lượng đấu giá các loại cổ vật khác trong dịp này chỉ diễn ra chỉ hơn 2 phút là kết thúc.

Giá khởi điểm là 600 euro chỉ tồn tại trên thông tin ban đầu. Ngay từ giây khởi động đầu tiên của phiên đấu giá đã công bố đến 80.000 euro. Nghĩa là kể từ khi công bố đến khi cuộc đấu giá chính thức diễn ra, giới sưu tầm cổ vật đã “tự đấu”, ước giá để thăm dò và đều mong muốn sở hữu cổ vật này. Phiên đấu giá xác định một bước giá cho lần đấu kế tiếp ít nhất 5000 euro.

Tất cả các con số lần lượt được đưa ra và liên tục “nhảy múa” trên màn hình, đến phút thứ 3 có nhiều người bỏ cuộc, chỉ còn xuất hiện các chủ thể tham gia đấu giá mang mã số 5777, 5618 và 5496 với mức giá hiện đấu đến 270 ngàn euro. Tuy vậy, đến phút thứ 4 trở về sau, khi mức đấu đã lên đến con số trên 300 ngàn, chỉ còn lại 2 người mang số 5618 và 5496. Ở thời điểm này lần lượt các con số được đưa ra 585 ngàn, 590 ngàn, 595 ngàn cho đến thời khắc 9 phút 55 giây, người mang số 5618 bấm 600 ngàn. Màn hình xuất hiện gợi ý con số 605 ngàn cho bước đấu kế tiếp… Yên lặng…10 giây sau, nhà tổ chức như thường lệ vẫn phải tiếp tục: “600 ngàn euro lần thứ nhất, …thứ hai, .. thứ ba”… Nhà tổ chức tay cầm chiếc búa giơ cao nhưng vẫn ngập ngừng như còn đang chờ đợi cuộc đấu sẽ tiếp diễn…Và cuối cùng tiếng búa kết thúc phiên đấu cũng được gõ. Chiếc mũ quan đã thuộc về chủ nhân mang số 5618 (người của tập đoàn Sunshine) với giá cuối cùng là 600 ngàn euro, cao gấp 1000 lần so với giá khởi điểm khi công bố lần đầu trên hệ thống.

Tiếp theo, một chiếc áo dài Nhật bình thời Nguyễn được đưa ra đấu giá, tập đoàn Sunshine cũng tham gia với giá đấu thắng là 160.000 euro. Căn cứ vào kiểu dáng, họa tiết có thể thấy rằng, chiếc áo này có lẽ là trang phục dành cho các cung tần. Đây là chiếc áo còn nguyên vẹn và khá hoàn chỉnh và khả năng chế tác ở niên đại muộn của thời Nguyễn.

Đến ngày 30/10/2021, sàn đấu giá Auctionet chính thức công nhận kết quả, Việt Nam có cơ hội sở hữu 2 cổ vật và tiến hành các thủ tục đề “hồi hương”, cả hai cổ vật phải “gánh” thêm 25% thuế cùng các loại phí nên số kinh phí sẽ chi cho cuộc hồi hương của 2 cổ vật lên đến trên 794 ngàn euro (tương đương gần 20 tỷ VND). Các thủ tục để hồi hương cổ vật cũng rất phức tạp, đến 5 tháng sau, kể từ khi đấu thắng mới hoàn thành xong!

Từ “hồi sinh” đến “hồi hương” và giá trị của câu chuyện văn hóa

Cũng là chuyện về mũ triều Nguyễn, trong số gần 3000 hiện vật bằng chất liệu quý (vàng, bạc, ngọc, ngà, v.v) mà Chính phủ Lâm thời tiếp quản từ triều đình Huế vào năm 1945 có 04 chiếc mũ vua. Các hiện vật lưu trữ tại kho Ngân hàng nhà nước và trao trả cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia vào năm 2007.

Nhưng với nhiều lý do khác nhau vào thời gian trước đây, cả 04 chiếc mũ này đã bị tháo rời phần cốt mũ, các chi tiết gắn trên mũ còn lại là một “mớ lùng bùng, lộn xộn”. Năm 2008, nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc, phải mất hơn 1 năm ròng rã, miệt mài cùng với sự giúp đỡ của nhiều nhà khoa học khác, nghiên cứu từ hơn 2.100 chi tiết bị tháo rời lộn xộn từ của 04 chiếc mũ vua đang lưu trữ ở Bảo tàng lịch sử quốc gia để làm hồi sinh 04 chiếc mũ bao gồm 03 chiếc mũ đại triều, 01 mũ Tế Giao của các vua Nguyễn.

Bốn chiếc mũ hồi sinh như làm sống dậy cả không khí văn hóa và học thuật. Qua các đợt trưng bày và thuyết trình, văn hóa cung đình Huế thêm phần tỏa sáng. Từ việc hồi sinh của 04 chiếc mũ vua đến việc hồi hương của chiếc mũ quan cùng các hiện vật đã, đang hồi hương khác đã làm nên một câu chuyện về văn hóa đầy ý nghĩa đối với dân tộc.

Sự tiến bộ xã hội đã là chất xúc tác để mọi người cùng nhau bảo vệ tài sản văn hóa. Từ câu chuyện của các nhà nghiên cứu, đến quan điểm đồng thuận và quyết liệt của các nhà quản lý, rồi sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp đã tạo nên sự hô ứng rất hiệu quả. Có lẽ đây là hướng đi có tính tương tác, hiệu quả nhất khi thực hiện các phiên đấu giá cổ vật ở nước ngoài vì lẽ đến nay, nếu tham gia đấu giá cổ vật bằng nguồn lực nhà nước thì rất khó thành bởi những hệ lụy như đã phân tích…

Những “người trong cuộc” bày tỏ sự trân trọng đối với tập đoàn Sunshine khi đã nhận lời tham gia vụ đấu giá cổ vật đầy cam go này và đã thành công để các cổ vật có thể hồi hương về cố xứ… Thừa Thiên Huế cũng ghi nhận sự tham gia của một doanh nghiệp khác. Khi biết được tin này, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel Airlines - cũng ngỏ ý doanh nghiệp sẽ tham gia đấu giá để tặng các cổ vật này cho Huế, nhưng phía Thừa Thiên Huế bày tỏ sự ghi nhận và xem đây như một dự nguồn cho việc tham gia đấu giá cổ vật nếu diễn ra trong nay mai, bởi lần này đã có doanh nghiệp tham gia thực hiện...  

Các tin khác:
Trang chủBộ tranh "Nhị thập tứ hiếu" ở lăng Kiên Thái Vương
Liên kết Website
Bản quyền Website thuộc về Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế
Địa chỉ: 03 Lê Trực, phường Đông Ba, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế
Điện thoại: +84.234.3 524 429 - Fax: +84.234.3 522 879
Email: info@baotangcungdinh.vn
Xin ghi rõ nguồn “Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế” khi sử dụng thông tin từ Website này.