NHỊ THẬP TỨ HIẾU
Cập nhật ngày: 06/11/2023 10:49:05
Nhị thập tứ hiếu (24 chuyện hiếu hạnh) là tác phẩm văn học thuộc đời nhà Nguyên (1271-1368), Trung Quốc, của soạn giả Quách Cự Nghiệp (1277-1367), kể về những tấm gương hiếu thảo đối với cha mẹ. Khi lưu truyền vào Việt Nam, nửa đầu thế kỷ XIX, Nhị thập tứ hiếu được Lý Văn Phức (1785-1849), tự là Lân Chi - tác gia Hán Nôm tiêu biểu và là một danh thần triều Nguyễn, đã diễn ra quốc âm theo thể thơ song thất lục bát, để dễ truyền bá trong dân gian về những tấm gương hiếu nghĩa với cha mẹ. Từ ý nghĩa giáo dục của những câu chuyện hiếu hạnh trong Nhị thập tứ hiếu, năm 1885, khi xây lăng phụ thân - Kiên Thái Vương, vua Đồng Khánh đã cho khảm sành sứ, đắp nổi 24 bức tranh mô tả 24 điển tích trong Nhị thập tứ hiếu lên các ô hộc lớn của 02 bi đình lăng với ước vọng truyền bá đời sau về ý nghĩa của chữ HIẾU trong đạo làm con đối với cha mẹ, đồng thời hướng con người đến các giá trị chân - thiện - mỹ trong cuộc sống.

Ngu Thuấn - Hiếu cảm động thiên

 (Ngu Thuấn hiếu thảo cảm động trời xanh)

Ngu Thuấn họ Diêu tự là Trọng Hoa - vị vua nổi tiếng của Trung Quốc thời cổ đại. Tương truyền rằng, ông mồ côi mẹ từ nhỏ, sống cùng cha và mẹ kế cùng người em trai ngỗ nghịch. Mặc dù bị những người thân trong gia đình đối xử tệ bạc nhưng ông vẫn không mảy may oán hận mà luôn đặt chữ hiếu làm đầu, kính cẩn vâng lời cha mẹ. Vì vậy mà lòng hiếu thảo của ông đã làm đất trời cảm động, phúc báo lần lượt kéo đến. Ngu Thuấn thường bị cha bắt đi cày ở đất Lịch Sơn, nơi vốn có nhiều thú dữ, nhưng khi tới nơi thì có đàn voi ra cày giúp, có chim muông đến nhặt cỏ giùm... Lòng hiếu thảo của Ngu Thuấn đã cảm hóa được vạn vật. Tiếng lành đồn xa, dân làng sống quanh vùng đều ngưỡng mộ ông. Vua Nghiêu khâm phục, cảm động, không chỉ gả con gái cho ông mà còn chọn ông kế vị ngai vàng.

Hán Văn Đế - Thân thường thang dược

 (Hán Văn Đế tự mình nếm thuốc)

Hán Văn Đế húy là Lưu Hằng, con thứ tư của Hán Cao Tổ Lưu Bang và Bạc phu nhân. Ngay từ nhỏ, Hán Văn Đế đã là một đứa trẻ hiếu thảo với mẹ của mình. Hàng ngày, ngay khi rời khỏi giường, việc đầu tiên mà ông làm là đến chào hỏi mẹ. Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, ông cũng đến hỏi thăm mẹ dều đặn. Khi Hán Văn Đế vừa lên ngôi thì Bạc Thái hậu lâm bệnh nặng. Dù là vua của một nước bận rộn với trăm công nghìn việc nhưng ông vẫn tận tâm dốc sức chăm sóc mẹ, không đêm nào ngủ tròn giấc. Mỗi khi thái y sắc thuốc mang đến, Hán Văn Đế đều tự mình nếm thử trước xem thuốc có nóng không, có đắng quá không... rồi ông mới mời mẹ uống. Ba năm sau, thái hậu dần khỏi bệnh; mọi người đều nói rằng đó là nhờ vào công chăm sóc, phụng dưỡng của Hán Văn Đế. Từ đó về sau, văn võ bá quan và dân chúng càng thêm kính trọng, yêu quý ông và noi theo tấm gương hiếu thảo với cha mẹ của Hán Văn Đế, đất nước cũng theo đó mà thái bình thịnh trị.

Tăng Sâm - Niết chỉ tâm thống

(Tăng Sâm, mẹ cắn ngón tay, tim con đau xót)

Tăng Tử tên là Sâm, tự Tử Dư, là người nước Lỗ thời Xuân Thu. Ông rất hiếu kính với song thân, hết lòng phụng dưỡng và chưa bao giờ làm trái ý mẹ cha. Hàng ngày, trong mỗi bữa cơm, Tăng Tử đều cẩn thận quan sát thói quen và khẩu vị ăn uống của cha mẹ, đồng thời ghi nhớ kỹ những thức ăn mà cha mẹ thích. Vì vậy, mỗi ngày ba bữa, ông luôn chuẩn bị những món ăn thịnh soạn mà cha mẹ thích ăn nhất. Một lần Tăng Tử khi lên núi chặt củi, nhà bỗng có khách đến chơi; mẫu thân một mình sợ tiếp đãi khách không chu đáo nên cắn đầu ngón tay mình, hy vọng Tăng Tử ở trong núi có cảm ứng trong lòng, mau chóng trở về nhà. Quả nhiên, Tăng Tử đang ở trên núi chặt củi, bỗng cảm thấy tim đau nhói, lập tức nghĩ đến mẹ; ông vội vàng dừng tay và cõng củi về nhà. Chính tấm lòng luôn hướng về cha mẹ của Tăng Tử đã tạo nên mối thần giao cách cảm kỳ diệu này.

Mẫn Tốn - Đơn y thuận mẫu

(Mẫn Tốn, mặc áo đơn cho thuận lòng mẹ)

Mẫn Tốn tự là Tồn, học trò Khổng Tử, sinh vào thời Xuân Thu. Mẹ mất sớm, Mẫn Tốn sống cùng cha và mẹ kế cùng 2 người em cùng cha khác mẹ. Mặc cho kế mẫu đối xử khắc nghiệt, nhưng ông vẫn một lòng hiếu thuận. Mùa đông giá rét, trong khi 2 người em được mặc áo lót bông ấm áp, riêng Mẫn Tốn chỉ được mặc áo độn hoa lau, không đủ ấm, nhưng ông không oán trách nửa lời. Mẫn Tốn phải thường xuyên theo cha ra ngoài kéo xe nhưng vì quá rét, cóng tay nên không thể kéo được. Cha ông thấy thế biết là do người mẹ kế để cho ông chịu lạnh, liền có ý định chia tay vợ. Mẫn Tốn biết vậy liền khóc xin cha đừng đuổi kế mẫu đi vì không muốn 2 người em phải chịu rét, khổ theo. Tấm lòng của Mẫn Tốn đã làm cho cha ông cảm động và kế mẫu cũng từ đó mà yêu thương ông, cùng vun đắp tình cảm gia đình ngày càng bền chặt. 

Trọng Do - Phụ mễ dưỡng thân

(Trọng Do vác gạo nuôi cha mẹ)

Trọng Do tự là Tử Lộ, sinh vào thời Chu, là người tài giỏi, đạo đức, tinh thông lục nghệ; ông cũng là người con rất hiếu kính với cha mẹ. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, thưở nhỏ ông đã phải lặn lội trong rừng tìm các loại rau quả để nấu canh dâng lên cha mẹ dùng bữa. Ông cũng không quản ngại đi xa ngoài trăm dặm bất kể gió rét hay nắng gắt, để mua gạo về nhà nấu cơm. Tử Lộ là học trò xuất sắc của Khổng Tử, sau khi cha mẹ ông qua đời, Tử Lộ sang nước Sở và được vua nước Sở phong tước cao sang. Tuy có được quan quyền vinh hiển, nhưng ông luôn nuối tiếc vì thương nhớ cha mẹ đã khuất núi. 

Đổng Vĩnh - Mai thân táng phụ

(Đổng Vĩnh bán thân chôn cha)

Đổng Vĩnh sống vào đời Hán; nhà nghèo, khi cha mất không có tiền để lo hậu sự nên ông đã quỳ trên đường và trước ngực đeo bảng có dòng chữ ý muốn bán thân để lấy tiền lo tang lễ cha. Một người giàu có đi đường thấy vậy bèn cho Đổng Vĩnh mượn tiền với điều kiện ông phải dệt trả công 300 tấm lụa. Sau khi lo việc tang cha xong, ông đến nhà chủ nợ để dệt trả công. Trên đường đi, ông gặp một người con gái và được ngỏ lời muốn kết duyên vợ chồng. Ông hẹn cùng nhau đến nhà chủ nợ để dệt 300 tấm lụa, khi dệt xong thì sẽ thành hôn. Cô gái đã giúp Đổng Vĩnh dệt đủ 300 tấm lụa trong một tháng. Trên đường trở về nhà, khi đi qua đoạn đường ông đã gặp cô gái, nàng xin từ biệt Đổng Vĩnh rồi chợt biến mất. Người đời tương truyền rằng Thiên đình cảm kích tấm lòng hiếu thảo của Đổng Vĩnh nên đã phái tiên nữ xuống trần giúp chàng dệt lụa trả nợ.

Đàm Tử - Lộc nhũ phụng thân

(Đàm Tử tìm sữa hươu chữa bệnh cho cha mẹ)

Đàm Tử là người nước Lỗ thời Xuân Thu, từ nhỏ ông đã vô cùng hiếu thuận với cha mẹ. Khi cha mẹ về già bị mù lòa, Đàm Tử rất đau đớn. Hàng ngày, ông vừa bên cạnh an ủi cha mẹ, vừa tìm thầy hỏi thuốc để chữa trị cho họ. Nghe truyền sữa hươu có thể chữa bệnh mắt, ông quyết định cải trang thành con hươu con rồi đi vào rừng sâu tìm sữa hươu. Trên đường về, ông suýt bị nhóm thợ săn giương cung bắn vì nhầm tưởng là huơu thật. Khi nghe ông kể lại sự tình, những người thợ săn vô cùng cảm động. Cha mẹ Đàm Tử sau khi uống sữa hươu thì mắt sáng trở lại sáng. Tấm lòng yêu thương cha mẹ của Đàm Tử đã được đền đáp.

Giang Cách - Hành dong cung mẫu

(Giang Cách đưa mẹ đi lánh nạn)

Giang Cách tự là Thứ Ông, sống vào thời nhà Hán. Giang Cách mất cha từ nhỏ, ông sống với mẹ. Lúc bấy giờ, thiên hạ đại loạn, đạo tặc ở khắp nơi, ông phải cõng mẹ đi lánh nạn, đoạn đường đi rất nhiều gian khổ, hiểm trở. Trên đường đi lánh nạn, nhóm đạo tặc muốn bắt ông nhập nhóm để làm đệ tử, ông khóc cầu xin vì phải chăm sóc mẹ già. Cảm động trước lòng hiếu thảo của ông, cuối cùng nhóm đạo tặc cũng buông tha mẹ con ông. 

Lục Tích - Hoài quất di thân

(Lục Tích dấu quýt mang về biếu mẹ)

Lục Tích tự là Công Kỷ, sống vào thời nhà Hán. Năm lên 6 tuổi, Lục Tích gặp Viên Thuật tại Cửu Giang và khi được Viên Thuật mời quýt, Lục Tích không ăn mà lén giấu quả quýt trong người; khi lễ bái từ biệt Viên Thuật để ra về, Lục Tích vô tình làm rơi quả quýt xuống đất. Viên Thuật thất thế trêu cậu rằng: “Lục lang làm khách quý mà giấu quýt trong người làm gì?”, Lục Tích quỳ xuống đáp rằng: “Con muốn mang về cho mẫu thân con nếm thử”. Hành động hiếu thảo của Lục Tích khiến Viên Thuật cảm động và ngợi khen cậu bé nhỏ tuổi mà hiếu thảo với mẹ.

Đường phu nhân - Nhũ cô bất đãi

 (Đường phu nhân cho mẹ chồng uống sữa)

Đường phu nhân có người mẹ chồng tuổi cao, răng rụng hết nên không thể ăn uống được gì. Vì vậy, hằng ngày Đường phu nhân cho mẹ uống sữa của mình; nhờ vậy mấy năm liền mẹ chồng của bà dù không ăn được nhưng vẫn khỏe mạnh. Đến một ngày khi sức yếu dần, trong cơn hấp hối, mẹ chồng của Đường phu nhân gọi cả gia đình đông đủ và trăn trối rằng: “Không biết lấy gì để báo đáp ân tình của con dâu, chỉ nguyện cầu cho con dâu họ Đường sau này có dâu con cũng chí hiếu và cung kính đủ đầy như vậy”.

Ngô Mãnh - Tứ văn bão huyến

 (Ngô Mãnh tự cho muỗi hút máu)

Vào đời Tấn có cậu bé tên Ngô Mãnh, mới lên 8 mà đã tỏ ra rất hiếu thảo với cha mẹ. Nhà nghèo đến nỗi không có màn để giăng muỗi khi ngủ. Để kéo lũ muỗi về phía mình, mỗi buổi tối, khi cha mẹ lên giường, Ngô Mãnh lại tự mình cởi trần nằm giữa nhà làm “mồi” cho lũ muỗi để cha mẹ được yên giấc. 

Vương Tường - Ngọa băng cầu lý

 (Vương Tường nằm trên băng chờ cá chép)

Vương Tường tự là Hựu Trưng, sống vào thời Tây Tấn. Mồ côi mẹ từ nhỏ Vương Tường sống cùng cha và kế mẫu là Chu thị. Chu thị luôn tìm mọi cách ngược đãi Vương Tường nhưng ông vẫn một lòng hiếu kính với bà. Vào một ngày mùa đông, Chu thị đột nhiên muốn ăn cá tươi. Lúc bấy giờ mặt sông đóng băng rất dày, ngư dân không có cách nào buông lưới đánh cá. Vương Tường chạy khắp vùng nhưng vẫn không mua được cá tươi. Vương Tường nghĩ kế phá băng để thả lưới. Lớp băng quá dày không thể dùng sức nên ông nghĩ bụng có thể dùng hơi ấm của mình để làm tan băng. Cuối cùng nơi ông nằm, băng tan tạo thành một lỗ hổng lớn và Vương Tường thả lưới bắt được 2 con cá chép sắc vàng, mang về nhà dâng lên mẹ kế. Tấm lòng hiếu kính của Vương Tường đã khiến Chu thị cảm kích và về sau bà đối đãi Vương Tường như con ruột của mình. 

Quách Cự - Vi mẫu mai nhi

 (Quách Cự vì mẹ chôn con)

Quách Cự sống thời nhà Hán. Ông sống cùng mẹ già và vợ cùng đứa con trai lên ba. Nhà nghèo nên mẹ ông thường giảm bớt phần ăn của mình để nhường cho cháu. Một hôm, ông bảo với vợ rằng: “Nhà mình nghèo khó, thiếu thốn, con trai mình lại phải chia phần thức ăn của mẹ. Chi bằng mình chôn sống nó đi? Con cái thì vợ chồng ta có thể đẻ đứa khác, còn mẹ mất rồi thì không thể tái sinh”. Người vợ nghe xong cũng đồng lòng mà không cãi lại. Trong khi đào hố chôn con, Quách Cự bất chợt gặp phải một hũ vàng, bên trên có dòng chữ: “Trời ban cho đứa con có hiếu là Quách Cự; quan không được giữ lấy, người dân không được chiếm đoạt”. Từ đó gia đình Quách Cự không còn cảnh người già nhịn bữa chia phần ăn cho con cháu.

Dương Hương - Ách hổ cứu phụ

(Dương Hương giết hổ cứu cha)

Dương Hương sống vào đời nhà Tấn. Năm lên 14 tuổi, ông bắt đầu theo hầu cha, khi đi thăm đồng khi đi xem gặt lúa. Trong một lần đi cùng cha vào rừng, hai cha con bị hổ rượt đuổi, do sức yếu nên cha ông không chạy nổi. Lúc ấy, Dương Hương tay không tấc sắc nhưng vì trong lòng chỉ nghĩ tới cha mà không thiết bản thân, ông đã dũng cảm nhảy bổ về phía trước, ôm lấy cổ con hổ và xiết chặt đến chết. Hai cha con ông thoát chết cũng nhờ vào tình hiếu nghĩa của Dương Hương. 

Châu Thọ Xương - Khí quan tầm mẫu

 (Châu Thọ Xương từ quan đi tìm mẹ)

Thọ Xương là người nước Tống, mẹ ông là vợ thứ trong gia đình họ Châu. Năm ông lên 7, mẹ ông bị người vợ cả đuổi ra khỏi nhà, lưu lạc sang nước Tần. Từ đó hai mẹ con sống cách nhau. Ở tuổi trưởng thành, học hành đỗ đạt, Thọ Xương ra làm quan nhà Tống, nhưng ông vẫn không nguôi thương nhớ người mẹ ruột. Đời vua Tống Thần Tông, ông xin từ quan để đi tìm mẹ. Với ý chí không tìm thấy mẹ thì nhất định không quay về, ông đi khắp nơi và đến Đồng Châu thì gặp được mẹ và xin rước mẹ về chung nhà để dễ bề phụng dưỡng.

Dữu Kiềm Lâu - Thường phân ưu tâm

(Dữu Kiềm Lâu nếm phân mà lòng lo âu)

Dữu Kiềm Lâu là người Nam Tề, làm quan huyện lệnh Sàn Lăng. Ông nhậm chức chưa được một tuần thì bỗng thấy lòng bồn chồn không yên; nghĩ nhà có chuyện không hay, ông bèn vội vã từ quan rồi lên đường về quê. Khi đến nhà, cha ông đang ốm nặng, thầy thuốc nói rằng muốn biết rõ bệnh tình thì phải nếm thử phân đại tiện của cha, nếu có vị đắng thì vẫn có thể chữa trị được. Không chút do dự, ông nếm thử và vô cùng lo lắng vì phân có vị ngọt. Mong cho cha qua cơn bạo bệnh, mỗi đêm, ông đều hướng về sao Bắc Đẩu cầu nguyện xin được chết thay cha. 

Lão Lai Tử - Hí hải ngu thân

(Lão Lai Tử giả làm trẻ con mua vui cho cha mẹ)

Lão Lai Tử là người nước Sở, sống thời Xuân Thu. Là người hiếu thảo với cha mẹ, tuy tuổi đã ngoài 70 nhưng trước mặt cha mẹ, ông chưa bao giờ nói mình già. Không muốn cha mẹ thấy mình già nua mà lo buồn, ông đã làm ra rất nhiều bộ dạng hoạt bát đáng yêu để khiến cha mẹ thích thú: ông thường mặc áo sặc sỡ, múa hát như con trẻ, có khi bưng nước dâng cha mẹ, ông giả vờ trượt té rồi ngồi khóc như trẻ lên ba,… Cha mẹ ông rất vui và hạnh phúc vì cảm nhận được sự gần gũi với con cái, điều đó khiến Lão Lai Tử thấy mãn nguyện.

Thái Thuận - Thập tang cung mẫu

(Thái Thuận nhặt dâu nuôi mẹ)

Thái Thuận là người đời Hán, mồ côi cha từ thưở nhỏ, ông sống với mẹ. Vào những năm mùa màng thất bát, đói kém không đủ ăn, ông phải vào rừng hái trái dâu về ăn qua bữa. Một lần, vào rừng hái dâu, ông mang theo 2 chiếc làn, một đựng quả màu đen và một đựng quả màu đỏ. Trên đường về nhà, ông gặp phải toán cướp, tướng cướp Xích Mi thấy 2 chiếc làn bèn hỏi nguyên do, Thuấn liền đáp: “Quả đen chín ngọt để dâng mẹ còn quả đỏ chưa chín lắm thì để tôi ăn”. Tướng giặc khen Thuấn là một người con có hiếu, bèn lấy ba đấu gạo trắng cùng thịt trâu tặng ông mang về nuôi mẹ.

Hoàng Hương - Phiến chẩm ôn khâm

 (Hoàng Hương quạt gối ấm chăn)

Hoàng Hương sinh vào thời Hán, lúc lên 9 tuổi thì mẹ qua đời, ông vô cùng đau buồn, khóc thương ngày đêm. Từ đó, hai cha con sống nương tựa vào nhau, tự mình lo liệu trong ngoài, một lòng phụng dưỡng cha không dám xao lãng. Dù còn nhỏ tuổi nhưng ông đã biết hiếu thảo với cha, ông đã biết dùng hơi ấm cơ thể của mình để ủ ấm chăn chiếu cho cha vào mùa đông. Vào mùa hè trời oi bức, ông lấy quạt làm mát gối chăn, chiếu giường rồi mới mời cha lên giường ngủ. Quan Thái Thú đứng đầu trọng quận là Lưu Hộ biết lòng hiếu của Hoàng Hương nên đã làm tờ biểu trình lên vua Hán.

Khương Thi - Dũng tuyền dược lý

(Khương Thi, suối tuôn cá chép nhảy)

Khương Thi là người đời Hán, có vợ là Bàng thị, 2 vợ chồng chung sống hòa thuận và rất có hiếu với mẹ. Người mẹ chồng vốn thích uống nước sông, vậy là Bàng thị ngày ngày đi qua sáu bảy dặm để gánh nước về cho mẹ uống. Lại biết bà thích ăn gỏi cá, vợ chồng Khương Thi đều ra sức tìm kiếm nguyên liệu để làm cho mẹ ăn. Rồi lại lo lắng sợ mẹ ăn một mình không ngon miệng nên vợ chồng ông lại mời những người hàng xóm đến để cùng dùng bữa với bà. Bỗng một ngày, cạnh nhà xuất hiện một dòng suối, nước chảy trong veo, có vị giống nước sông lại có cá chép. Hai vợ chồng Khương Thi thấy vậy liền bắt cá để làm món ăn cho mẹ. 

Vương Bầu - Văn lôi khấp mộ

(Vương Bầu lấy thân che mộ mẹ khi sấm kéo mưa giông)

Vương Bầu là người nước Ngụy, thời Tam Quốc. Ông sống cùng mẹ và là người con rất có hiếu. Mẹ ông vốn rất sợ sấm chớp, vì thế, khi bà qua đời, mộ phần của bà được chôn cất ở trong rừng mỗi lần mưa to gió lớn, giông lốc sấm chớp nổi lên ông lại vội vã chạy ngay vào rừng, đến bên mộ phần của mẹ rồi quỳ xuống, chắp tay khấn lạy rằng: “Có con là Bầu đây, mẹ đừng sợ”.

Đinh Lan - Khắn mộc sự thân

(Đinh Lan khắc gỗ thờ cha mẹ)

Đinh Lan là người Hán, cha mẹ ông qua đời khi ông còn nhỏ nên ông không có cơ hội được phụng dưỡng song thân. Vì thế, để tưởng nhớ công ơn sinh thành, Đinh Lan lấy gỗ khắc thành tượng cha mẹ để thờ phụng. Đến lúc thành gia lập thất, Đinh Lan cùng vợ thờ cúng cha mẹ. Tuy nhiên vợ ông lại có lòng bất kính, lấy kim đâm vào đầu ngón tay của bức tượng, bất chợt máu liền chảy ra. Đến khi Đinh Lan dâng cơm cúng cho cha mẹ thì 2 bức tượng gỗ liền tuôn trào nước mắt. Đình Lan thấy vậy liền tra hỏi vợ, khi biết được sự tình ông không chấp nhận được liền đuổi người vợ ra khỏi nhà. 

Mạnh Tông - Khốc trúc sinh duẩn

 (Mạnh Tông khóc tới khi trúc mọc măng)

Mạnh Tông tự là Cung Vũ, sống dưới thời Tam Quốc. Ông sớm mồ côi cha, hai mẹ con sống nương tựa vào nhau. Đến lúc mẹ già lâm bệnh nhiều tháng trời, lại thèm ăn canh măng, tuy nhiên lúc bấy giờ đang là mùa đông nên không biết làm sao để có măng nấu canh cho mẹ, ông bèn đi vào rừng trúc rồi ngồi ôm gốc trúc mà khóc. Tấm lòng hiếu thảo của ông làm đất trời cảm động, bổng dưng trong chốc lát mặt đất bị xé ra, những búp măng đua nhau mọc. Mạnh Tông vô cùng vui sướng, chặt lấy mang về nấu canh dâng lên mẹ.

Hoàng Đình Kiên - Địch thân niệu khí

(Hoàng Đình Kiên tự mình rửa bô cho mẹ)

Hoàng Đình Kiên là người đời Tống, là một người con rất có hiếu, luôn cung kính phụng dưỡng mẹ rất chu đáo. Mặc dù làm đến chức Thái Sử, gia đình giàu sang, phú quý nhưng ông luôn tự mình chăm sóc cho mẹ chứ không để kẻ hầu người hạ đụng tay. Mỗi đêm ông túc trực cạnh mẹ, tự tay chăm sóc mẹ mà không chút than phiền.

* Ảnh: Nguyễn Tấn Anh Phong.   Tham khảo: http://phapmontinhdo.vn/nhi-thap-tu-hieu-613521
Các tin khác:
Trang chủBộ tranh "Nhị thập tứ hiếu" ở lăng Kiên Thái Vương
Liên kết Website
Bản quyền Website thuộc về Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế
Địa chỉ: 03 Lê Trực, phường Đông Ba, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế
Điện thoại: +84.234.3 524 429 - Fax: +84.234.3 522 879
Email: info@baotangcungdinh.vn
Xin ghi rõ nguồn “Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế” khi sử dụng thông tin từ Website này.